Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối phó với nguy cơ khủng bố

Quỳnh Dương| 13/06/2016 07:29

(HNM) - Sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại nhiều quốc gia thành viên, các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua quy định mới nhằm thắt chặt kiểm soát súng. Dự luật về kiểm soát súng này sẽ được trình lên Nghị viện Châu Âu (EP) để thông qua vào cuối năm nay. Đây được cho là biện pháp cần thiết nhằm tăng cường bảo đảm an toàn cho công dân Cựu lục địa sau một thời gian dài thả lỏng quy định luật pháp liên quan tới sở hữu súng đạn cá nhân.

Có nhiều loại vũ khí bất hợp pháp trôi nổi tại EU.


Quyết định thắt chặt kiểm soát súng được EU đưa ra theo đề xuất của Pháp trong bối cảnh Paris phải căng mình ngăn chặn các nguy cơ khủng bố có thể phá hủy giải bóng đá châu lục (EURO 2016) đang diễn ra tại quốc gia này. Ngay trước ngày khai hội môn "túc cầu" tại Lục địa già, Cơ quan An ninh nội địa Pháp (DGIS) tiến hành rà soát 3.500 nhân viên an ninh tư nhân được thuê làm nhiệm vụ bảo vệ các khu vực tập trung của người hâm mộ (fanzone), đã phát hiện 82 kẻ tình nghi thuộc lực lượng khủng bố. Trước đó, Cơ quan an ninh Ukraine cũng đã bắt giữ 1 công dân Pháp mang theo súng ống, thiết bị kích nổ và 125kg chất nổ TNT với âm mưu thực hiện 15 vụ tấn công khủng bố trong thời gian diễn ra EURO 2016. Chưa bao giờ một giải bóng đá tại Châu Âu lại diễn ra dưới "họng súng" và do vậy, việc kiểm soát súng cá nhân trong tương lai tại Cựu lục địa sẽ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nhiều năm qua, hầu hết các thành viên EU, trừ Pháp đã cho phép các cá nhân chưa có tiền án, tiền sự liên quan tới bạo lực có thể sưu tập súng, sở hữu súng. Tuy nhiên, theo quy định mới, EU sẽ phải phân loại vũ khí kỹ lưỡng hơn, gồm việc xác định các bộ phận cấu thành vũ khí. Qua đó, Liên minh sẽ đưa ra giới hạn cụ thể về các loại súng mà cá nhân có thể được sở hữu. Trong thời gian tới, các cơ quan an ninh cũng sẽ đánh dấu và truy xuất nguồn gốc vũ khí, kiểm tra y tế, đề ra tiêu chuẩn an toàn cho việc lưu trữ vũ khí. Cùng với đó là việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên, thắt chặt kiểm duyệt việc bán vũ khí trực tuyến và giới hạn thời gian cấp phép sử dụng súng cũng sẽ được lưu tâm...

Sau một loạt vụ tấn công như: tại Na Uy năm 2011 khi Anders Behring Breivik - một thành viên phe cánh hữu - đánh bom và xả súng khiến 87 người thiệt mạng; vụ tấn công Tòa báo Charlie Hebdo Pháp làm 12 người thiệt mạng đầu năm 2015 và vụ thảm sát kinh hoàng tại Paris vào cuối năm 2015, các nhà chức trách EU hiểu rõ rằng, có vấn đề liên quan tới kiểm soát vũ khí. Ước tính, lượng vũ khí bất hợp pháp tại khu vực này có thể lên tới hàng vạn đơn vị. Trong đó, chỉ riêng nước Pháp đã có tới 4.000.

Các nhà chức trách EU cho rằng, lượng vũ khí trái phép tuồn vào EU hầu hết xuất phát từ các quốc gia vùng Balkan, vừa trải qua 2 thập kỷ bất ổn. Nguy hiểm ở chỗ, khi muốn mua vũ khí từ vùng Balkan, các nhóm khủng bố và tội phạm chỉ cần kết nối với internet và tìm kiếm các chợ đen hoạt động dưới nhiều hình thức trên mạng. Sau khi giao dịch, vũ khí thường được tháo rời từng bộ phận và vận chuyển thành nhiều đợt vào Khu vực tự do đi lại (Schengen). Khi đã xâm nhập trót lọt, gần như chẳng gì có thể ngăn cản chúng được chuyển tới những địa điểm như Paris hoặc Brussel (Bỉ).

Có thể thấy rằng, các vụ tấn công khủng bố gần đây nhằm vào Châu Âu đã được sắp xếp xuyên biên giới. Vì vậy, đề xuất mới đưa ra là một giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ vũ khí lọt vào tay bọn khủng bố. Nhưng trên thực tế, kiểm soát các thương vụ vũ khí trên thị trường chợ đen là rất khó. Các chuyên gia cho rằng, EU cần có một cơ quan giống như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), lực lượng có quyền hành lớn hơn, thu thập thông tin và phối hợp hành động như lực lượng cảnh sát Châu Âu (EUROPOL) hiện nay. Đó không phải là chuyện có thể trở thành hiện thực trong thời gian ngắn. Nhưng, cùng với luật kiểm soát súng mới thì một lực lượng an ninh đủ mạnh là mục tiêu cần nhắm đến để EU đối phó hiệu quả với nguy cơ khủng bố ngày càng rộng và gia tăng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đối phó với nguy cơ khủng bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.