(HNM) - Tối 18-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới một số điểm neo đậu tàu thuyền, khu vực dân cư xung yếu huyện Thủy Nguyên và đến thẳng tỉnh Quảng Ninh để kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 2.
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hướng di chuyển của bão số 2 chếch lên vùng biên giới Việt - Trung, rạng sáng 19-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ bắc; 108,6 độ Kinh đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 90km về phía Đông Đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão giật cấp 15, cấp 16. Sau đó, bão đi dọc theo vùng núi Bắc bộ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc bộ. Sáng mai (20-7), vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ bắc; 103,8 độ Kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5-6m. Đêm qua 18-7, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Các nơi khác ở đồng bằng và Đông bắc Bắc bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh Bắc bộ có mưa to đến rất to, trung bình 200-300mm. Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.
Công an phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng giúp người dân quận Đồ Sơn (Hải Phòng) tránh bão. Ảnh: Ngọc Thủy |
Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, chiều 18-7, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành phố Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và các bộ, ngành chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa bão gây ra. Tại cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo PCLB trung ương diễn ra ngày 18-7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý các địa phương không được phép chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó bão. Quảng Ninh và Hải Phòng là nơi dự báo bão số 2 đổ bộ cần đặc biệt lưu ý không chỉ kêu gọi tàu cá của ngư dân mà còn cả tàu du lịch, tàu vận tải tổ chức neo đậu an toàn. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đặc biệt đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, rà soát ngay những khu vực dân cư trong vùng nguy hiểm, khẩn trương triển khai các phương án di dời dân đến nơi an toàn. Chiều 18-7, các đoàn công tác của Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương đã xuống tỉnh Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, trong ngày 18-7, lực lượng biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thuyền thông báo, hướng dẫn hơn 73.000 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, với khoảng 240.000 lao động biết thông tin diễn biến bão để chủ động phòng tránh. Tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An đã thực hiện lệnh cấm biển; di dời khoảng 215.570 người tại các vùng nguy hiểm, nguy cơ cao về sóng biển, lũ ống lũ quét. Để ứng phó với các tình huống xảy ra trong mưa bão, quân đội và các địa phương đã huy động gần 130.000 người với 3.076 phương tiện ứng phó với bão số 2...
*Sáng 18-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì họp cùng Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, Ban Quản lý dự án thoát nước… triển khai phương án ứng phó bão số 2. Rút kinh nghiệm trận mưa sáng 17-7 gây ngập khu vực quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, trong đó có nguyên nhân do hệ thống thoát nước Khu đô thị Cầu Giấy chưa được bàn giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội vận hành, ông Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước, UBND quận Cầu Giấy ngay trong chiều 18-7 thực hiện bàn giao hiện trạng hệ thống 16km đường cống ngầm, toàn bộ hàm ếch, ga thu; tổ chức ngay việc nạo vét, đấu nối bổ sung vào hệ thống thoát nước của thành phố, sẵn sàng ứng phó với mưa bão.
*Để đối phó với bão số 2, chiều 18-7, Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội đã tiếp tục có công điện yêu cầu ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp thủy lợi, cây xanh, điện lực chủ động đối phó với cơn bão số 2. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn thành phố. Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, bão, lũ, úng ngập về Ban Chỉ huy PCLB thành phố theo quy định.
Cũng trong ngày 18-7, Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác PCLB tại các địa phương. Kiểm tra tại trạm bơm Ngoại Độ 2 (huyện Ứng Hòa), Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu lãnh đạo hai huyện lên phương án, chuẩn bị vật tư, lực lượng sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 2. Các huyện và Sở NN& PTNT lên phương án dự phòng chuẩn bị các giống lúa ngắn ngày để hỗ trợ nhân dân cấy bổ sung diện tích lúa bị hỏng do ngập lụt...
Nhận định mưa bão có thể ảnh hưởng đến gần 100.000ha lúa mùa mới cấy và hàng chục hécta cây trồng, ngày 18-7, kiểm tra công tác PCLB tại ngoại thành Hà Nội, Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2, sẵn sàng thực hiện bơm tiêu nước đệm, chủ động PCLB theo phương án "bốn tại chỗ"; tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra công trình thủy lợi, hoàn thành việc sửa chữa các công trình chống úng nội đồng, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là công trình đầu mối, hồ đập, các trục tiêu..., bảo đảm 100% công trình an toàn, vận hành hiệu quả phục vụ công tác chống úng, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ khi mới phát sinh.
*Ngày 18-7, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Phó Ban chỉ huy Cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan cùng đoàn công tác đã kiểm tra việc dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống bão, lũ tại các kho hàng của Công ty TNHH MTV Lan Chi Business, Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt. Thành phố cũng lập 2 tổ kiểm tra về tình hình mua bán, cung cầu, giá cả, công tác phòng chống bão của các chợ đầu mối, chợ dân sinh lớn và một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn.
Qua kiểm tra, Công ty TNHH MTV Lan Chi Business và Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt đã dự trữ đầy đủ lượng hàng dự trữ được UBND thành phố giao tại kho của DN cũng như kho của các nhà cung cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu khi có tình huống xảy ra.
Báo cáo của hai đoàn công tác tại các siêu thị, trung tâm thương mại cho biết, tại hệ thống các siêu thị như BigC, Metro, Fivimart, Co.opmart và một số siêu thị, cửa hàng tiện ích của Hapro, hàng hóa bày bán dồi dào, các mặt hàng thực phẩm dự trữ tại kho với số lượng tương đối lớn. Giá bán các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng được người dân mua nhiều trong dịp mưa bão như rau, củ, mỳ tôm, thịt… vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá bất thường. Đối với các chợ trên địa bàn như Long Biên, Văn Quán, Minh Khai, Bưởi, Châu Long, Ngọc Hà… số lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định dù lượng người mua có tăng so với ngày thường do tâm lý lo ngại giá hàng hóa thực phẩm tăng cao hơn sau mưa bão.
Do ảnh hưởng của cơn bão Rammasun, ngày 18-7, các hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JPA) đã thông báo kế hoạch hủy chuyến và điều chỉnh giờ khai thác trên một số đường bay trong ngày 19-7. Cụ thể: Trên đường bay TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng, VNA sẽ hủy 2 chuyến bay (VN1182, VN1183) và điều chỉnh giờ khai thác 4 chuyến: VN7186 (chuyển từ 8h30 thành 12h), VN1186 (chuyển từ 9h55 thành 13h), VN7187 (chuyển từ 11h20 thành 14h50) và VN1187 (chuyển từ 12h45 thành 15h50); trên đường bay Đà Nẵng - Hải Phòng, VNA hủy 2 chuyến bay VN1670, VN1671. Toàn bộ hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyển bay bị hủy giữa Đà Nẵng/TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng sẽ được chuyển sang các chuyến bay chiều 19-7 (VN1672, VN1673, VN1186, VN1187, VN7186, VN7187, VN1188, VN1189). VNA sẽ hỗ trợ các thủ tục liên quan đến việc đặt chỗ, hoàn, hủy hoặc đổi vé cho hành khách. JPA cũng thông báo ngày 19-7, các chuyến bay đi/đến Hải Phòng được điều chỉnh lùi lại vào buổi chiều. Trong đó: Trên đường bay TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng, JPA điều chỉnh giờ khai thác 3 chuyến bay: BL510 (chuyển từ 10h35 thành 14h), BL516 (chuyển từ 18h55 thành 19h). BL511 (chuyển từ 13h10 thành 16h30); trên đường bay giữa TP Hồ Chí Minh - Cam Ranh, JPA cũng điều chỉnh giờ khai thác sớm hơn đối với 2 chuyến: BL638 (chuyển từ 15h45 thành 10h35), BL639 (chuyển từ 17h25 thành 12h20). Ngoài ra, các chuyến bay BL522, BL523, BL266 và BL267 TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc/Vinh cũng được JPA điều chỉnh lùi 30 phút so với kế hoạch. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.