(HNM) - Ngày 4-12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với nội dung
Đổi mới thi cử - giảm dạy thêm, học thêm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm, trả lời độc giả về các vấn đề "nóng", trong đó có việc dạy thêm, học thêm. Một độc giả tỏ ý băn khoăn: "Theo Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT thì sau năm 2015, chương trình phổ thông sẽ được giảm tải với số đầu môn học giảm mạnh, mỗi học kỳ không quá 8 môn. Vậy, việc học thêm, dạy thêm sẽ được giải quyết như thế nào?". Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm, học thêm tràn lan có cả yếu tố chương trình lẫn quản lý. Chương trình bắt học sinh học nhiều, có kiến thức không thiết thực. Chương trình mới không bắt các em học theo kiểu cào bằng, mà có phần tự chọn, sẽ giảm áp lực học, từ đó giảm nhu cầu học thêm. Theo đề án đổi mới, giờ học tự nguyện của học sinh sẽ tăng lên. Gia đình và nhà trường có điều kiện thì tăng số giờ tự học có hướng dẫn của giáo viên. Sau năm 2015, việc học thêm, dạy thêm có thể vẫn còn, nhưng không phải vì lý do tiêu cực mà thực sự vì quyền lợi của học sinh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc ra đề mở trong thi cử sẽ khiến hình thức dạy thêm ít "đất diễn" hơn. Hơn nữa, quan điểm không đặt cả tương lai của học sinh vào một kỳ thi, mà rải ra, cũng sẽ giúp giảm áp lực thi cử. Khi người học không còn nhu cầu thì người dạy không thể gợi ý học thêm được.
Công tác đổi mới thi cử sẽ hướng tới mục tiêu giúp người học tự điều chỉnh cách học, người dạy tự đổi mới phương pháp truyền thụ. Ảnh: Nhật Nam |
Các vấn đề liên quan tới đổi mới thi cử, đánh giá, kiểm tra được Bộ GD-ĐT coi như điểm đột phá để tạo sự "rúng động" tích cực trong toàn hệ thống. Theo tinh thần của đề án, mục đích của việc tổ chức thi cử là để kiểm tra xem học sinh học được gì, làm được cái gì chứ không chỉ kiểm tra kết quả học tập như thế nào, mục tiêu là giúp người học tự điều chỉnh cách học, khuyến khích người dạy tự đổi mới. Tinh thần đổi mới này, theo ông Nguyễn Vinh Hiển, không chỉ được triển khai trong giáo dục phổ thông, mà là trong toàn bộ hệ thống, với cả giáo dục nghề nghiệp và ĐH. Quan trọng hơn cả là phải tìm ra sự liên quan giữa các yếu tố khiến học sinh có kết quả tốt. Hiện nay, việc đánh giá đang diễn ra không công bằng.
Tự chủ để đổi mới
Trước đó, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ 3 năm qua, Bộ GD-ĐT khuyến khích tất cả các trường ĐH đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Sau mùa tuyển sinh 2013, cơ quan quản lý nhận được gần 20 đề xuất từ các trường. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, con số nói trên không phải là ít, bởi việc chủ động trong tuyển sinh phụ thuộc vào nhiều vấn đề.
Ít nhất thì thực tế cho thấy đã có sự chuyển động. Chẳng hạn, như ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết thì từ năm 2014, trường này sẽ thí điểm việc tuyển sinh riêng. Theo đó, nhà trường sẽ tuyển sinh theo kết quả đánh giá năng lực ở chương trình tài năng và chương trình tiên tiến. Thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp, với các bài thi về ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, xã hội… Kỳ thi được tổ chức trước kỳ thi "3 chung" của Bộ GD-ĐT, mục đích là bảo đảm cho thí sinh có sự tự tin, an tâm khi tham gia hình thức tuyển sinh mới của trường vì các em vẫn có thể tham gia cả kỳ thi "3 chung" diễn ra sau đó. Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, dự kiến sau một năm thí điểm, phương thức thi này sẽ được triển khai đại trà. Khi đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi ĐH sẽ được tham gia bài thi đánh giá năng lực và có thể thi rải rác trong năm. Mỗi năm trường sẽ tổ chức 2 lần nhập học.
Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Đinh Xuân Khoa cho rằng, hiện có nhiều trường chưa muốn tổ chức thi riêng là bởi họ vẫn tín nhiệm "3 chung" - hình thức thi được nhiều người cho là tạo được mặt bằng chung cho giáo dục ĐH, bảo đảm sự ổn định của cả hệ thống. Sau mỗi đợt thi, Trường ĐH Vinh, với tư cách chủ trì một cụm thi, đã tổng hợp ý kiến của các trường, phản hồi nhận được chủ yếu là muốn giữ nguyên "3 chung", có sửa đổi thì chỉ là sửa về mặt kỹ thuật mà thôi.
Trái ngược với quan điểm nêu trên của nhiều trường, PGS Văn Như Cương cho rằng "3 chung" lẽ ra đã phải "cáo chung" từ lâu rồi - ít nhất là về mặt khoa học. PGS Văn Như Cương phân tích: "3 chung" không phân biệt đầu vào và đầu ra. Ví dụ, tất cả thí sinh thi khối A đều làm đề giống nhau, đó là sự bất hợp lý bởi thí sinh thi toán vào trường sư phạm là để làm thầy dạy toán, còn thi vào Trường ĐH Bách khoa là để làm kỹ sư...
Mặc dù ủng hộ "3 chung", song Trường ĐH Vinh đã chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng, chỉ chờ Bộ GD-ĐT phát hiệu lệnh. Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa cho biết, nếu không còn "3 chung", nhà trường dự kiến chỉ thi 3 môn toán, văn, tiếng Anh, sau đó đánh giá kết quả học tập phổ thông. Với phương thức này, có ý kiến băn khoăn, rằng mỗi trường có nên lập một hội đồng xét tuyển hay không. PGS Văn Như Cương nêu quan điểm: Việc lập hội đồng chỉ khiến vấn đề thêm rối rắm, phức tạp, không giải quyết được gì bởi chúng ta đã thống nhất trong giáo viên cách ra đề, cách chấm thi, đủ để đánh giá năng lực, tiềm năng của thí sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lạc quan về sự đúng đắn của đề án khi chọn đổi mới thi cử, coi đó là khâu đột phá bởi theo ông, giải pháp này ít tốn kém, chủ yếu liên quan tới đào tạo giáo viên và học tập kinh nghiệm của thế giới, hiệu quả có thể nhìn thấy trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.