Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới theo hướng “kiềng 3 chân”

Thu Trang| 28/10/2018 06:33

Thời gian qua, ngành Y tế đã không ngừng đổi mới, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Ảnh: Hữu Tiệp


Bài đầu: Phát huy vai trò của y tế cơ sở

Y tế cơ sở được ví như “người gác cổng”, thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nghị quyết số 20 - NQ/TƯ đã đặt ra mục tiêu với ngành Y tế là phải bảo đảm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”. Hiện công tác đổi mới toàn diện và đồng bộ tuyến y tế cơ sở để tạo niềm tin với người dân đang được gấp rút triển khai.

Nâng cấp y tế cơ sở

Theo Bộ Y tế, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó hơn 60% số trạm y tế đã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù hệ thống y tế cơ sở đã có nhiều thay đổi, nhưng người dân vẫn chưa tin tưởng. Nhận định này được người đứng đầu ngành Y tế đưa ra sau nhiều lần thị sát tại các bệnh viện tuyến trung ương và được nhiều bệnh nhân phản ánh họ phải xếp hàng từ 3-4h sáng chỉ để khám đau đầu, đau chân tay, huyết áp…

Trước thực tế trên, Bộ Y tế đang xây dựng thí điểm mô hình 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 tỉnh, thành phố với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực có trình độ để tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm như: Tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Thế nhưng, theo khảo sát của Bộ Y tế, dù đã lựa chọn các trạm y tế có cơ sở vật chất tương đối tốt, song về nhân lực còn hạn chế. Cụ thể, chỉ có các trạm y tế của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái là có đầy đủ bác sĩ, các địa phương khác rất thiếu... Các trạm y tế chỉ thực hiện được khoảng 68% trong tổng số 76 dịch vụ của gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó trạm y tế cao nhất đạt 89,5%, thấp nhất chỉ đạt 19,7%...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, có thực tế người dân chê y tế cơ sở, thậm chí, bác sĩ không muốn về trạm y tế làm việc, nhưng cũng có nơi thì ngược lại. Đơn cử như tại một trạm y tế xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế, bác sĩ không muốn lên tuyến trên mà tình nguyện làm việc ở tuyến xã. Còn người dân thay vì đến bệnh viện lại tìm tới trạm y tế xã mỗi khi đau ốm, vì nơi đây có bác sĩ giỏi. Ngay trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), dù có Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn là bệnh viện hạng 2 của thành phố, nhưng người dân vẫn đến trạm y tế để khám bệnh.

“Trong ngành Y, một trong những vấn đề quan trọng, quyết định tới năng lực cung ứng dịch vụ, đó là trình độ chuyên môn của cán bộ. Khi y tế cơ sở làm tốt vai trò của mình, thì niềm tin của người dân sẽ tăng lên” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn có 87 bác sĩ - là một trong những tuyến y tế cơ sở có số lượng bác sĩ khá lớn. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Hải chia sẻ, tháng 7-2014, trung tâm thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình ở một trạm y tế xã và 4 phòng khám đa khoa khu vực. Sau một năm, trung tâm đã mở rộng mô hình cho 26 trạm y tế còn lại. Trung bình một ngày, trung tâm khám từ 2.000 đến 2.500 lượt và quản lý 38.000 bệnh nhân. Còn tại các trạm y tế xã, trung bình một ngày tiếp nhận từ 40 đến 50 bệnh nhân/trạm; thậm chí có trạm khám từ 60 đến 80 bệnh nhân/ngày. Tình trạng trạm y tế đìu hiu, vắng bóng bệnh nhân đã không còn.

Cần từ 10 đến 15 năm để làm… “tròn vai”

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh làm chủ nhiều kỹ thuật cao.


Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở để hệ thống này làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thực sự là “người gác cổng” phải cần từ 10 đến 15 năm với nhiều cơ chế, chính sách như: Đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bảo đảm nguồn nhân lực. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để khuyến khích bác sĩ yên tâm công tác tại đây…

Đối với 26 trạm y tế triển khai thí điểm được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, đến các thiết bị: Máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang…, Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ. Không chỉ đưa giảng viên về địa phương, trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, Bộ Y tế còn tổ chức các chương trình đào tạo 3 tháng, 1 năm và sắp tới sẽ áp dụng chương trình đào tạo trực tuyến để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho y tế cơ sở…

Dự kiến trong năm 2018, mô hình 26 trạm y tế điểm sẽ hoàn thành. Đối với các tỉnh, thành phố khác tiếp tục rà soát, phân loại các trạm y tế để xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) hoàn thành việc đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực.

Cùng với việc đầu tư, phát triển y tế cơ sở, thời gian qua, ngành Y tế còn tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sửa đổi lề lối, tác phong làm việc trong từng bệnh viện với mục tiêu khi đã bị bệnh phải vào viện, họ cần được khám, điều trị tốt nhất và hài lòng nhất.

(Còn nữa)

Theo khảo sát của Bộ Y tế, có tới 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, thành phố và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; có tới 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới theo hướng “kiềng 3 chân”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.