Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội; chưa giải đáp kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đổi mới. Việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ; thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, ít có tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu; các loại hình khu công nghệ cao phát triển chưa như kỳ vọng; đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ tuy tăng về số lượng nhưng lại thiếu các nhà khoa học đầu ngành…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5-2023) với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Văn bản số 690/TTg-KGVX, yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, các giải pháp toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện có hiệu quả những chỉ đạo nói trên, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao cần sớm rà soát các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tham mưu, đề xuất Chính phủ, cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đột phá, giải pháp toàn diện, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển; tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài khoa học công nghệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Người, trong thời gian tới, việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công. Nghiên cứu khoa học, công nghệ phải tập trung vào lĩnh vực cơ bản, nền tảng, những vấn đề của đời sống, trở thành một động lực tăng trưởng chủ yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.