Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới sản phẩm làng nghề ở các nước châu Á

Quỳnh Dương| 25/07/2020 09:50

(HNMCT) - Du lịch làng nghề truyền thống đang là xu hướng được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để phát triển mô hình này, chính quyền địa phương ở các nước châu Á đang cải thiện các loại hình dịch vụ đi kèm, đặc biệt là thực hiện chiến lược làm mới sản phẩm làng nghề và đồ lưu niệm.

Nghệ nhân làng nghề Nambu (Nhật Bản) luôn sáng tạo mẫu mã sản phẩm mới, đáp ứng xu hướng của thời đại.

Theo thống kê, Thái Lan hiện có khoảng 70.000 làng nghề thủ công. Để thu hút du lịch, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, từ năm 2001 chính phủ Thái Lan đã thực hiện dự án OTOP (One Tambon One Product - Mỗi xã một sản phẩm) dựa trên sáng kiến của Cục Xúc tiến xuất khẩu thuộc Bộ Thương mại Thái Lan. Sau gần 2 thập niên, dự án OTOP đã giúp nghề thủ công truyền thống của Thái Lan được duy trì. Đến nay, Thái Lan có khoảng 36.000 mô hình OTOP, mỗi mô hình tập hợp từ 30 đến 3.000 thành viên. Điều này giúp các địa phương tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc và giữ gìn tri thức, truyền thống văn hóa.

Theo Cục Xúc tiến xuất khẩu, mô hình OTOP không có nghĩa mỗi xã chỉ có một sản phẩm mà là mỗi xã tập trung nâng cao kỹ năng, tay nghề của các nghệ nhân để cải thiện chất lượng, mẫu mã, biến mỗi sản phẩm trở thành sản phẩm đặc trưng của từng làng nghề. Ngoài mục đích phát triển du lịch, mô hình OTOP khuyến khích người dân sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, dựa vào tri trức truyền thống bản địa để làm ra sản phẩm đặc trưng. Việc tổ chức lại các làng nghề truyền thống ở Thái Lan đã tạo ra giá trị về nhiều mặt như: Bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo việc làm ở nông thôn, ngăn chặn làn sóng di cư vào đô thị, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm du lịch.

Để khuyến khích các nghệ nhân sáng tạo, đổi mới sản phẩm, Trung tâm Hỗ trợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Thái Lan (SACICT) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ các địa phương. Trong một số chương trình, SACICT mời các nhà thiết kế ở Bangkok kết hợp với đội ngũ thợ thủ công ở các làng nghề đưa ra những mẫu mã sản phẩm mới nhưng vẫn dựa trên nền tảng kỹ thuật và vật liệu truyền thống. Nhờ đó, nghề thủ công Thái Lan không còn giới hạn với những món quà lưu niệm và đồ trang trí nội thất theo mẫu mã truyền thống mà được mở rộng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng và du khách.

Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ tiếp tục giúp các cộng đồng địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm theo chương trình OTOP. Để tăng doanh thu, sinh viên các trường đại học được khuyến khích xây dựng phần mềm thiết kế mẫu sản phẩm, đồng thời lập ra các trang thông tin nhằm giúp khách nước ngoài đặt mua hàng qua mạng. Ngoài ra, chính phủ cũng tổ chức các chuyến du lịch tới các làng nghề để du khách tận mắt thấy các sản phẩm OTOP được sản xuất như thế nào.

Tại Nhật Bản, nơi khởi đầu với OVOP (One Village One Product - Mỗi làng một sản phẩm) từ năm 1979, chiến lược làm mới sản phẩm làng nghề cũng được thúc đẩy. Ông Masaaki Sakai, Giám đốc điều hành Hiệp hội Xúc tiến các ngành công nghiệp thủ công truyền thống cho biết, kỹ thuật chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ đã được trao truyền trong hơn 100 năm. Mỗi mặt hàng có đặc điểm riêng của từng địa phương. Tuy nhiên, hàng thủ công được sản xuất bằng phương pháp và vật liệu truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do lối sống thay đổi và sự phát triển vật liệu mới. Để các làng nghề tồn tại, đổi mới là chìa khóa quan trọng.

Thời gian qua, Bộ Kinh tế Nhật Bản thông qua Hiệp hội Xúc tiến các ngành công nghiệp thủ công truyền thống đã hỗ trợ các làng nghề bằng nhiều hình thức như: Khảo sát thăm dò thị trường, tổ chức triển lãm sản phẩm làng nghề, kết nối các nhà thiết kế và nghệ nhân thủ công mỹ nghệ truyền thống nhằm lên ý tưởng cho sản phẩm mới...

Theo ông Masaaki Sakai, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, khách du lịch trẻ tuổi quan tâm tới những mặt hàng làm từ vật liệu truyền thống với mẫu mã hiện đại và phong cách. Chẳng hạn như làng nghề Nambu tại thành phố Morioka vốn nổi tiếng với các sản phẩm đồ nấu bếp được làm bằng sắt có truyền thống khoảng 400 năm nay. Một trong những mặt hàng được ưa chuộng của làng nghề này là ấm trà với khả năng giữ nhiệt tuyệt vời. Đáp ứng xu hướng hiện đại, những năm gần đây, các nghệ nhân đã nỗ lực cải tiến, tạo ra những mẫu ấm mới với màu sắc phong phú, phù hợp với căn bếp của các gia đình trẻ.

Cũng như Việt Nam, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho nghệ nhân các làng nghề truyền thống ở nhiều quốc gia, buộc họ phải thích nghi và sáng tạo để vừa duy trì sản phẩm truyền thống, vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu từ cuộc sống và sự phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sản phẩm làng nghề ở các nước châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.