(HNM) - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm thời gian, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân… những nội dung cơ bản của đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH) sẽ được áp dụng ngay tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII khai mạc vào ngày 20-10 tới đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Từ cách thức hoạt động
Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, song theo đánh giá của chính những người trong cuộc, hoạt động của QH hiện nay còn nhiều "bệnh" cần khắc phục ngay. Trước tiên, đó là bệnh hình thức. Lâu nay, dường như đã thành thông lệ, các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp vẫn được tổ chức tại hội trường và chính quyền địa phương sẽ mời các "đại cử tri" tới dự. Các đại biểu sau khi báo cáo kết quả kỳ họp, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của mình thời gian qua sẽ lần lượt nghe các ý kiến của cử tri để "tiếp thu và ghi nhận". Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, những buổi tiếp xúc này rất hình thức mà hiệu quả lại không cao vì còn rất nhiều cử tri chất chứa đầy tâm sự muốn bày tỏ cùng đại biểu nhưng lại không được dự tiếp xúc.
Để giảm bệnh hình thức, việc tiếp xúc cử tri sẽ được thông báo rộng rãi, công khai để mọi người dân có thể tham dự. Ảnh: Bảo Lâm |
Đối với các phiên thảo luận tại tổ, dù không phải là một công đoạn bắt buộc song với mục đích tạo điều kiện để các đại biểu QH được phát biểu trình bày ý kiến nhiều hơn, tại các kỳ họp, QH đều bố trí hoạt động này. Song nhiều tổ đại biểu có xu hướng dồn nội dung thảo luận của 2-3 buổi vào một buổi. Các trưởng đoàn đại biểu không nghiêm khắc khi điều hành thảo luận tổ, bỏ mặc chất lượng. Thậm chí, có những trường hợp đã phát biểu ý kiến tại tổ, song ra trước QH vẫn lặp lại y nguyên… Ngay tại các kỳ họp của QH, kỳ nào cũng yêu cầu rút ngắn thời gian trình bày văn bản và mặc dù các văn bản đã được gửi tới tận tay các đại biểu song nhiều nội dung vẫn được đọc đầy đủ hoặc có phần nhắc lại các văn bản khác. Rồi mỗi lần phát biểu, các đại biểu lại dành thời gian để "kính thưa, kính gửi" đủ các thành phần tham dự, chủ trì, gây lãng phí thời gian không cần thiết.
Để giảm thiểu các "bệnh" hình thức, lãng phí thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đề án đổi mới QH quy định rõ để thực hiện một cách giản tiện mà vẫn bảo đảm trang trọng, lịch sự, trừ các bài diễn văn quan trọng, khi trình bày báo cáo, tờ trình, phát biểu ý kiến, các đại biểu QH chỉ cần "kính thưa QH" và trình bày thẳng vào nội dung.
Việc tiếp xúc cử tri cũng sẽ được cải tiến theo hướng thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện để mọi người dân có thể tham dự. Đồng thời bảo đảm để đại biểu QH có điều kiện trực tiếp tiếp xúc với cử tri thuộc mọi tầng lớp dân cư, hạn chế tiếp xúc với "đại cử tri", dành nhiều thời gian để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị. Ngoài việc tiếp xúc cử tri nơi cư trú, QH khuyến khích các đại biểu tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực và bổ sung hình thức tiếp xúc qua điện thoại, thư, báo…
Đến hoạt động lập pháp
Lập pháp là một hoạt động tối quan trọng của QH, song hiện nay các quy trình làm luật lại đang qua rất nhiều quy trình, thủ tục. Sau khi được thông qua chương trình, các cơ quan bắt đầu soạn thảo, lấy ý kiến của các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan, xin ý kiến của Chính phủ rồi mới trình tại Thường vụ QH. Song song với quy trình này, các ủy ban của QH cũng sẽ tiến hành thẩm tra các đề nghị, kiến nghị về luật theo hướng đưa ra những phản biện về chính sách. Tại lần trình dự án luật đầu tiên trước Thường vụ QH, đại diện cơ quan chủ quản được sự ủy quyền của Chính phủ sẽ trình bày nội dung dự thảo. Tiếp đó, các ủy ban của QH sẽ trình bày báo cáo thẩm tra sau đó Thường vụ QH mới bắt đầu cho ý kiến.
Thực tế tại kỳ họp thứ hai và ba của Thường vụ QH khóa XIII vừa qua, còn rất nhiều nội dung chưa được thống nhất giữa báo cáo thẩm tra và những vấn đề Chính phủ đưa ra xin ý kiến. Như tại dự thảo Luật Giá còn tới 14 điểm chưa có tiếng nói chung hay Luật Giáo dục - Đào tạo sửa đổi cũng còn hơn 10 điểm chưa thống nhất. Để rút ngắn thời gian làm luật theo hướng hiệu quả, thiết thực, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị QH nên đổi mới công tác này theo hướng trước khi đưa ra xin ý kiến Thường vụ QH, các ủy ban QH và cơ quan chủ quản nên có sự bàn bạc, thống nhất trước, chỉ có những điểm nào thật sự vướng mắc, không tìm được tiếng nói chung thì mới đưa ra xin ý kiến của Thường vụ. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Thường vụ QH không làm nội dung thay các bộ, ngành mà chỉ cho ý kiến vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Chủ tịch cũng đề nghị hội đồng và các ủy ban chủ động mời thêm chuyên gia độc lập, tham gia ý kiến vào các dự án luật, các cuộc giám sát.
Được đánh giá là có những bước tiến tích cực, đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH là một bước chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri để QH thực sự xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.