(HNM) - Đi nhanh, nói nhanh, quyết liệt trong thực hiện ý tưởng và hành động, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản (NXB) Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng tạo ấn tượng là một người không ngại đổi mới, sẵn sàng đương đầu và thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành Xuất bản.
- Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của hoạt động xuất bản, in ấn và phát hành sách, NXB Phụ nữ được coi là một điểm sáng về nỗ lực vượt khó và tìm ra nhiều cách đi mới mẻ nhằm thích ứng với thị trường. Bà có thể chia sẻ những hướng đi mang tính sáng tạo mà NXB Phụ nữ đã thực hiện trong thời gian qua?
- Là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100%, NXB Phụ nữ đứng trước thực tế “hoặc đổi mới hoặc không tồn tại”. Với NXB Phụ nữ, 5 năm trở lại đây (2011 - 2016) đã quyết tâm đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, tuân thủ nghiêm túc Công ước Berne và Luật Xuất bản; đáp ứng nhu cầu của bạn đọc hiện đại và xu hướng phát triển của ngành. NXB Phụ nữ đã nỗ lực để tự chủ toàn bộ 3 khâu: Xuất bản - In - Phát hành. Đây là sự quyết liệt buộc phải có để thích nghi và phát triển trong tình hình mới.
- Nói một cách cụ thể, đâu là những điểm nhấn đặc biệt thể hiện hiệu quả hoạt động của NXB Phụ nữ trong năm 2016?
- Đó là sự đổi mới về phương thức hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của phụ nữ, gia đình và trẻ em. Các mảng đề tài mới như “Khởi nghiệp dành cho phụ nữ” hấp dẫn nhiều bạn đọc trẻ. Các hoạt động của mạng lưới cha mẹ và Hội sách Mùa Xuân, Hội sách Mùa Thu do NXB Phụ nữ chủ trì được bạn đọc quan tâm. NXB Phụ nữ đã xây dựng được mạng lưới bạn đọc thân thiết ở nhiều vùng, miền.
- Bên cạnh những khía cạnh tích cực, đã có khi nào bà thấy nản lòng trước nạn in lậu, bán sách không có bản quyền…?
- Nản chứ! Một cuốn sách được đầu tư công phu có thể bán được 5.000 bản hay 10.000 bản, nhưng chúng bị in lậu ngay từ lần phát hành đầu tiên. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho các NXB làm ăn chân chính. Chúng ta có luật nhưng chế tài chưa đủ mạnh để chống nạn in lậu và tình trạng sao chép trắng trợn. Nhiều khi tình trạng đó khiến chúng tôi nản lòng, nhưng không thể vì thế mà buông xuôi.
- Động lực nào giúp NXB vượt qua khó khăn, trở ngại?
- Động lực ư? Đó vẫn là tình yêu đối với sách, là trách nhiệm đối với độc giả.
- Bà nghĩ gì về những thách thức, khó khăn mà ngành Xuất bản nói chung phải đối mặt trong thời gian tới?
- Xuất bản và báo chí đều đang phải giải bài toán cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số. Thách thức đối với xuất bản Việt Nam vẫn là tình trạng sách in lậu, nạn sao chép trái phép trên internet. Văn hóa đọc chưa phát triển bền vững, tỷ lệ người đọc sách còn quá thấp (trung bình một người đọc 4 cuốn/năm, trong đó, 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn là sách khác - PV).
- Năm 2017, NXB Phụ nữ tròn 60 năm tuổi. NXB sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu vừa phát huy được truyền thống, vừa khẳng định quyết tâm đổi mới và sáng tạo, kịp thời thích ứng với bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay?
- Truyền thống 60 năm thành lập và phát triển của NXB Phụ nữ là niềm tự hào của nhiều thế hệ cán bộ. Tuy nhiên, trước những thách thức của ngành Xuất bản và của xã hội Việt Nam, NXB Phụ nữ cần phải giữ vững thương hiệu và tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa để bảo đảm phát triển bền vững và giữ uy tín đối với bạn đọc.
- Là NXB trung ương duy nhất ở Việt Nam dành cho giới nữ, bà có ý tưởng gì để khai thác nguồn khách hàng tiềm năng ở trong và ngoài nước?
- NXB Phụ nữ luôn tìm cách nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của chị em phụ nữ trong xã hội hiện đại. Họ không chỉ cần kiến thức về nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe, nữ công gia chánh, làm đẹp, giải trí, mà còn cần kiến thức về giáo dục gia đình, giới tính, khả năng phát triển bản thân, cách thức vượt lên các định kiến, ý thức hệ; kiến thức về kinh tế, tài chính... Tiếp cận được nhu cầu của chị em phụ nữ hiện nay, tìm cách đáp ứng tốt nhu cầu của họ, đem lại những ấn phẩm thiết thực đối với cuộc sống của họ, đó chính là cách để thu hút phụ nữ nói riêng và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước nói chung.
- Theo bà, những người làm công tác xuất bản cần nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ cơ quan quản lý để có thể phát triển bền vững, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân? Với riêng NXB Phụ nữ, cần có sự hỗ trợ cụ thể ra sao?
- Về cơ chế, luật pháp, chính sách, xuất bản ngoài nhiệm vụ về văn hóa, tư tưởng, cần phải được coi là một ngành kinh tế có tiềm năng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Về môi trường xã hội, cần có sự nhận thức và đánh giá đúng vai trò của ngành Xuất bản đối với sự phát triển của đất nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.