Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Việt Tuấn| 14/05/2019 07:36

(HNM) - Nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND các cấp thành phố Hà Nội đã đi qua hơn nửa chặng đường với nhiều đổi mới.

HĐND các quận, huyện, thị xã tích cực đổi mới, tăng cường giám sát trực tiếp. Trong ảnh: Đại biểu HĐND quận Cầu Giấy chất vấn UBND quận tại phiên giải trình về công tác gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng.


Còn hình thức, kém hiệu quả

Để thực hiện tốt chức năng quyết định, hoạt động giám sát, khảo sát nắm bắt thông tin của HĐND cấp huyện rất quan trọng, nhưng không phải đơn vị nào cũng làm tốt vai trò này. Hơn 2 năm qua, tại các hội nghị tổng kết, HĐND các quận, huyện, thị xã đều nêu hạn chế trong thực hiện chức năng quyết định, giám sát của thường trực và các ban. Nhiều nơi tổ chức giám sát còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu pháp luật đã quy định. Một số đại biểu HĐND chưa thể hiện rõ vai trò đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân, trong đó có nguyên nhân năng lực phản biện chưa tốt.

Cụ thể, trong đánh giá kết quả hoạt động quý I-2019, HĐND huyện Đan Phượng chỉ rõ, một số tổ đại biểu chưa tổ chức được hoạt động giám sát tập trung theo chương trình giám sát của HĐND huyện. "Việc giám sát ở một số lĩnh vực quan trọng như: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; quản lý đất đai; giải quyết việc làm cho người lao động; thu ngân sách… còn chưa nhiều. Việc đôn đốc, kiểm tra kết quả xử lý các kiến nghị sau giám sát của HĐND cũng chưa thường xuyên", Phó Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Tạ Văn Thủy cho biết.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Ba Vì Chu Văn Liên, thời gian qua, HĐND huyện Ba Vì đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát được cử tri ghi nhận, song hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chưa thường xuyên. Bởi, đa số nội dung đơn thư liên quan đến đất đai, dồn điền, đổi thửa, tranh chấp dân sự, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án…; trong khi, đa số đại biểu kiêm nhiệm, chuyên môn và kinh nghiệm ở những lĩnh vực trên chưa nhiều, chưa kể còn một số đại biểu ngại va chạm.

Tương tự, HĐND huyện Phú Xuyên cũng có hạn chế trong việc theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri và các kiến nghị sau giám sát của HĐND huyện. Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Hội thông tin, quý I-2019, HĐND huyện mới thực hiện được một cuộc khảo sát theo kế hoạch.

Tập trung nâng cao chất lượng

Từng tham gia tập huấn cho các đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội về kỹ năng trong hoạt động của HĐND, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, chức năng, quy trình giám sát vẫn chưa được một số đơn vị chú trọng, nắm rõ để cụ thể hóa trong kế hoạch giám sát của mình. Đơn cử như vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn việc HĐND giám sát cơ quan tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân vì cho rằng, pháp luật hiện hành không quy định biện pháp xử lý trong trường hợp HĐND phát hiện những cơ quan này có sai phạm. Hơn thế, trong thực tế tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân không chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước HĐND cùng cấp.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, sự băn khoăn trên thể hiện việc nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật của đại biểu vẫn chưa kỹ. Thực tiễn, HĐND giám sát tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân được quy định rất rõ trong luật. Trường hợp tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân có sai phạm, thì HĐND gửi kết luận hoặc nghị quyết về giám sát đến tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp và đơn vị này có trách nhiệm kiểm tra, xử lý sai phạm của đơn vị cấp dưới.

Thực tiễn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương phụ thuộc rất lớn vào phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với HĐND cùng cấp thông qua việc thực hiện quy chế làm việc của ban thường vụ, thường trực cấp ủy với thường trực HĐND và cơ cấu thường trực HĐND tham gia cấp ủy. Vì thế, khi xây dựng chương trình giám sát, HĐND các địa phương cần cập nhật quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Thường trực HĐND cần xin ý kiến cấp ủy cùng cấp về dự kiến nội dung, phạm vi, thời gian thực hiện giám sát, khảo sát đối với những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận cao khi triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát, ngoài chú trọng bám sát những chỉ đạo của cấp ủy, Thường trực HĐND các địa phương cần quan tâm lựa chọn chủ đề giám sát từ kiến nghị của cử tri về những vấn đề tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương. Hoặc lựa chọn chủ đề qua tổng hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người liên quan trực tiếp đến thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của chính quyền, các cơ quan chức năng cùng cấp; qua tiếp nhận, sàng lọc thông tin phản ánh của cơ quan báo chí.

Một yếu tố quan trọng nữa là để giám sát tốt thì đại biểu phải có trình độ, am hiểu lĩnh vực giám sát. Vì thế, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.