Lời tòa Soạn: Ngày 28-5, Đảng bộ Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XX nhiệm kỳ 2010-2015. Tại đại hội này, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dự và có bài phát biểu về định hướng công tác xây dựng Đảng, công tác đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài phát biểu quan trọng này.
Đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là đòi hỏi cấp thiết. Ảnh: TTXVN |
Đảng và Nhà nước ta xác định, phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ vừa có ý nghĩa chiến lược hàng đầu, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại. Triển khai thực hiện hệ thống kiểm định khách quan, trung thực chất lượng giáo dục đào tạo". Trong những năm qua, Trường Đại học Ngoại thương là một trong những cơ sở đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học có quy mô lớn, có uy tín về chất lượng, đã cố gắng phấn đấu theo định hướng trên, tạo được thương hiệu riêng, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.
Qua nghiên cứu Báo cáo chính trị và lắng nghe các ý kiến tham luận của các đại biểu, tôi thực sự vui mừng trước những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của Thủ đô và đất nước. Đảng bộ Trường Đại học Ngoại thương đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu trở thành "Trường đại học xuất sắc", là đơn vị điển hình trong cả nước về chất lượng đào tạo là đáng hoan nghênh. Hiện tại, nhà trường đã có mối quan hệ hợp tác về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với trên 100 tổ chức, định chế quốc tế, các trường đại học nước ngoài cũng như cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như kết quả đào tạo đều được coi trọng. Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô được đẩy mạnh. Đảng bộ nhà trường đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, làm tốt công tác phát triển đảng viên mới, chú ý đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên và sinh viên. Trường Đại học Ngoại thương là một trong bốn trường đại học trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự lực về kinh phí sự nghiệp. Với những thành tích đó, trong nhiều năm liền Đảng bộ nhà trường luôn đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ Trường Đại học Ngoại thương đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Báo cáo trình bày trước Đại hội cũng đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ qua. Đó là: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chậm được đổi mới, hiệu quả chưa cao. Một số chỉ tiêu đạt thấp so với Nghị quyết Đại hội. Vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ trong công tác chuyên môn còn mờ nhạt, nội dung và chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của nhà trường... Những hạn chế, khuyết điểm này của các đồng chí có lẽ cũng là những hạn chế, khuyết điểm của không ít tổ chức cơ sở đảng. Nhưng điều quan trọng mà hôm nay tôi muốn trao đổi với các đồng chí, đó là cấp ủy và từng chi bộ cần suy nghĩ, tìm hiểu tại sao có những tồn tại đó, nguyên nhân ở đâu và phải làm gì để khắc phục. Và hơn thế nữa, liệu có còn những yếu kém, khuyết điểm nào khác chưa được nêu ra đang làm chậm bước tiến của nhà trường hay không? Vì vậy, Đảng ủy nhà trường cần phải đi sâu phân tích, rút kinh nghiệm và phải có các giải pháp khả thi để sửa chữa, khắc phục. Tôi nghĩ rằng, cán bộ, đảng viên, giảng viên nhà trường đều tự hào, phấn khởi trước những thành tựu như vừa nêu. Các thành tích và tiến bộ mà trường đạt được là một thực tế. Nhưng căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước, và nếu đem so sánh với điều kiện, trình độ phát triển, cũng như uy tín, chất lượng đào tạo của các trường đại học trong khu vực và thế giới, thì từ cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ cho việc dạy và học, nhất là chất lượng đào tạo trong toàn bộ hệ thống các trường đại học, cao đẳng của chúng ta nói chung, của Đại học Ngoại thương nói riêng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn hiện nay và điều này cũng đang là một thực tế.
Trong những năm qua, việc mở rộng, phát triển nhanh số lượng và quy mô các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ở nước ta đang là một vấn đề được cả xã hội quan tâm. Bởi số trường nhiều hơn, quy mô đào tạo lớn hơn, nhưng chất lượng chưa được nâng lên tương xứng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trong số hàng chục nghìn học sinh, sinh viên của đất nước đi du học ở nước ngoài mỗi năm, ngoài mặt tích cực, là sự mong muốn chính đáng muốn được tiếp thu kiến thức, chuyên môn mới, tiên tiến, hiện đại; cũng có nguyên nhân nữa là chất lượng đào tạo trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Đất nước ta có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời; có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, được cả thế giới biết đến và ca ngợi; nhưng trong hòa bình, xây dựng đất nước, những thành tựu đạt được còn rất khiêm tốn, nhất là đào tạo trên đại học và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, số học sinh, sinh viên các nước vào học ở nước ta thấp hơn rất nhiều số học sinh, sinh viên nước ta ra nước ngoài học tập, mặc dù chi phí cho việc học tập ở nước ngoài, như chúng ta biết, là cao hơn trong nước rất nhiều. Đó là điều khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ và tìm cách khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đại học ở nước ta.
Tình hình chung như vậy đặt ra cho Trường Đại học Ngoại thương yêu cầu cùng với việc ra sức phát huy thành tích và ưu điểm, phải tập trung đánh giá, kiểm điểm làm rõ hơn nữa những hạn chế, yếu kém của mình để không những làm cho trường mạnh lên, mà còn đóng góp vào nền giáo dục đại học, cao đẳng của đất nước. Xã hội ghi nhận và Trường Đại học Ngoại thương có quyền tự hào về thứ bậc cao về chất lượng đào tạo trong số các trường đại học ở nước ta hiện nay, nhưng tôi mong rằng nhà trường phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng lên tầm cao mới, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp chung, nâng cao uy tín của hệ thống các trường đại học nước nhà.
Trên cơ sở đó, nhân dịp Đại hội, Đảng bộ Trường Đại học Ngoại thương phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch của Thành ủy đối với yêu cầu mở rộng và phát huy dân chủ đối với việc xây dựng Báo cáo chính trị cũng như lựa chọn giới thiệu nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường. Thông qua quá trình chuẩn bị và thảo luận tại Đại hội, phải khơi dậy được ý thức tự giác, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, sinh viên và nhất là các đại biểu dự Đại hội.
Việc thảo luận phải thể hiện được tinh thần đoàn kết và xây dựng, thật sự dân chủ, cởi mở. Tham luận không nhất thiết phải đọc bài viết sẵn. Mỗi ý kiến cần cô đọng, ngắn gọn; khuyến khích thảo luận, tranh luận. Theo tôi, có lẽ đề tài quan trọng nhất, cần tập trung thảo luận là làm thế nào để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, từ đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, đến đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức thi cử…; làm thế nào để nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ năng thực hành và khả năng hội nhập quốc tế.
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ Trường Đại học Ngoại thương trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo là hết sức nặng nề. Trong Báo cáo chính trị đã nêu 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, Đảng bộ cần đầu tư có chiều sâu để hoạch định, định hướng phát triển của trường với tầm nhìn 10-20 năm tới, trên cơ sở đó có kế hoạch, chương trình công tác cụ thể trong nhiệm kỳ từ nay đến năm 2015. Trong đó, chú ý đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy theo hướng hiện đại. Tôi ủng hộ chủ trương của nhà trường là cần mạnh dạn xây dựng và hoàn thiện cơ chế tự chủ về tài chính nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực của xã hội để phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường cần sớm tổng kết, hoàn thiện để nhân rộng ra nhiều trường khác. Đây là nhiệm vụ có tính đột phá về cơ chế quản lý, nhưng không vì thế mà không coi trọng đổi mới chương trình giảng dạy, tiếp cận với phương pháp đào tạo hiện đại của khu vực và thế giới. Quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực của nhà trường. Ở đây tôi muốn đặc biệt lưu ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy của nhà trường.
Hai là, phải thực sự chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ, chất lượng đội ngũ đảng viên. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giảng viên và sinh viên, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, tạo chuyển biến mới trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công tác vận động quần chúng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Ba là, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và có những đề tài khoa học thiết thực tham gia vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô mà trường có thế mạnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn tin tưởng và mong muốn công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Ngoại thương có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa, thiết thực, cụ thể và hiệu quả hơn nữa vào sự nghiệp chung. Thành phố sẵn sàng lắng nghe, tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học trên địa bàn nói chung và Trường Đại học Ngoại thương nói riêng tiếp tục phát triển mọi mặt, phấn đấu là trường đại học xuất sắc, đóng góp nhiều hơn nữa cho Thủ đô, cho đất nước, xứng đáng với truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.