(HNM) - Phiên thảo luận sáng 23-10, đa số đại biểu (ĐB) QH bày tỏ sự hài lòng về nội dung dự án Luật Tố tụng hành chính. Các ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cơ quan soạn thảo và UB TVQH. Các ĐBQH cho rằng, với nội dung như dự thảo, dự án luật đã phần nào thể hiện được ý nghĩa tạo môi trường xã hội ngày càng dân chủ, cải cách tư pháp được thể hiện một bước quan trọng...
Nhiều đại biểu đồng tình với nội dung tại Điều 104 của luật về việc các cá nhân, tổ chức, cơ quan nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án, không đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện. Quy định này được coi là bước đổi mới căn bản cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Để mở rộng thêm quyền dân chủ và thể hiện tính chất thực sự công bằng trong mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính trước tòa, ĐB Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị cần nghiên cứu thêm về nội dung quy định việc tìm chứng cứ trong tranh tụng. Bởi thực tế, với vị thế công dân, khó có thể tiếp cận với tài liệu chứng cứ. Ngược lại, cơ quan hành chính lại có điều kiện tiếp cận tài liệu và không loại trừ khả năng làm sai lệch chứng cứ theo hướng có lợi. Liên quan đến tính chính xác của bản án, các ĐB đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một cơ chế để có thể xem xét lại các vụ án đã qua trình tự tái thẩm, giám đốc thẩm mà vẫn còn sai sót, thậm chí sai sót nghiêm trọng, gây thiệt hại cho công dân, gây bức xúc trong dư luận. Về vấn đề này, ĐB Vũ Hồng Anh (đoàn TP Hà Nội) đề xuất về vai trò của Bộ trưởng Bộ Tư pháp với quyền kiến nghị ngay khi phát hiện bản án hành chính có sai sót...
Ngoài các vấn đề trên, các ĐB cũng đóng góp nhiều ý kiến về công tác quản lý nhà nước trong thi hành án hành chính, vai trò và nội dung phát biểu của kiểm sát viên trong quá trình tham gia các vụ án hành chính...
* Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây cũng là dự án luật đã được trình tại kỳ họp trước và được các ĐB đóng góp rất nhiều ý kiến với mong muốn việc sửa đổi Luật Thanh tra đạt mục đích nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung về các hoạt động, quyết định của mình.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc ban soạn thảo đã cố gắng sửa đổi, bổ sung vào nội dung dự án luật, đồng thời cho rằng luật cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của trưởng, phó đoàn thanh tra bằng những chế tài cụ thể nếu quá trình thanh tra, kiểm tra không phát hiện được sai phạm rõ ràng, kéo dài... ĐB Lê Minh Hồng hy vọng, với việc sửa đổi Luật Thanh tra, chất lượng công tác thanh tra sẽ được nâng lên, nhìn từ bài học 11 lần thanh tra, kiểm toán tại Vinashin mà vẫn không phát hiện sai phạm. Một vấn đề nữa mà các ĐB quan tâm và băn khoăn là những quy định về Thanh tra nhân dân, chưa được quy định rõ trong dự án luật lần này.
Bên lề Quốc hội Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Nhìn dự án bauxite trên góc độ khoa học, thực tế Tôi đã có văn bản gửi cho Chính phủ đề nghị bày tỏ thái độ trước QH về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Tôi cũng sẽ chất vấn, hoặc có thể phát biểu ngay tại phiên báo cáo của Chính phủ. Tôi cho rằng, mỗi ĐBQH phải thể hiện trách nhiệm của mình. Đây là vấn đề khoa học, có khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Đương nhiên việc thăm dò cứ phải thăm dò, nhưng phải có phương thức tổ chức một dự án lớn. Tôi nghĩ chính dự án bauxite là một bài học để chúng ta có thể có được những quy trình làm việc dân chủ nhất, hiệu quả nhất và trách nhiệm cao nhất. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Phải có biện pháp quản lý rủi ro Tôi đang nghĩ đến việc đưa ra ý kiến về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên trong các phiên thảo luận, chất vấn tới đây, trước mắt là yêu cầu Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin thêm về những phương án phòng ngừa mọi tình huống, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khai thác, xử lý bùn đỏ và các chất thải. Tôi nghĩ điều này chúng ta phải tính toán. Không phải vì sợ rủi ro mà chúng ta không làm, mà vấn đề là chúng ta phải có biện pháp quản lý. Không phải người ta có sự cố thì mình không làm nữa, mà vấn đề là chúng ta phải xem lại, xem cần làm gì để không xảy ra sự cố và trong trường hợp xảy ra sự cố bất khả kháng, thì làm gì để ngăn chặn, giảm bớt hậu quả có thể xảy ra. Chúng ta phải có phương án dự phòng tốt nhất. Tư Đô |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.