Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học: Mừng ít, lo nhiều!

Thống Nhất| 26/05/2016 07:38

(HNM) - Được áp dụng từ năm học 2014-2015, nhưng đến thời điểm này, việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học bằng nhận xét thay vì chấm điểm theo tinh thần của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cần giải pháp đánh giá hợp lý giúp học sinh tiểu học tiến bộ trong học tập và tu dưỡng. Ảnh: Thái Hiền


Những dẫn chứng thực tế về chủ trương này khiến người dân mừng ít hơn lo. Điều đó đòi hỏi ngành Giáo dục phải đánh giá toàn diện về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cho năm học tới.

Tăng áp lực với giáo viên

Điểm mới rõ nhất của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT là từ năm học 2014-2015, việc đánh giá HS tiểu học trên cả nước sẽ được thực hiện bằng hình thức nhận xét thay vì chấm điểm. Việc chấm điểm chỉ được áp dụng với hai bài kiểm tra toán và ngữ văn vào cuối học kỳ và cuối năm học. Nguyên tắc đánh giá được xác định là vì sự tiến bộ của HS, kết quả đánh giá không chỉ dựa trên sự đánh giá của HS, giáo viên (GV) mà huy động cả sự vào cuộc của phụ huynh.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều đơn vị, việc thường xuyên đánh giá HS bằng nhận xét khiến không ít GV tiểu học bị căng thẳng. Thực tế cho thấy, dù đã được hướng dẫn, điều chỉnh trong quá trình triển khai, nhưng GV dạy các môn chuyên biệt (mỹ thuật, thể dục, nhạc, họa) vẫn bị áp lực khi ghi nhận xét cho HS toàn trường. Chỉ bằng một phép tính đơn giản cũng đủ mường tượng khối lượng công việc của những GV này. Theo quy định, mỗi lớp trung bình chỉ có một giờ mỹ thuật/tuần. Như vậy, để bảo đảm định mức, mỗi giáo viên mỹ thuật phải dạy khoảng hai mươi lớp/tuần. Mỗi lớp trung bình có 40-45 HS. Như vậy tính ra, mỗi lần GV phải ghi nhận xét cho 800-900 HS.

Kết quả khảo sát của Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam còn cho thấy hơn 95% số GV được hỏi cho rằng việc đánh giá HS theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT khiến họ vất vả nhiều hơn, nhất là ở vùng nông thôn, khi 98% GV cho rằng rất vất vả.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đã áp dụng máy móc cách làm của một vài nước nào đó mà không tính đến điều kiện làm việc của GV Việt Nam. Ở các nước phát triển, một lớp thường chỉ có từ 15-25 HS, trong khi ở nước ta, mỗi lớp tiểu học thường có hơn 50 HS. Ở miền núi, vùng sâu, sĩ số HS/lớp có thể ít hơn, nhưng lại thường là lớp ghép, GV phải dạy cùng lúc nhiều chương trình. Trong hoàn cảnh đó, nếu yêu cầu GV ghi nhận xét từng HS trong mỗi lần đánh giá thì quá tải, kể cả khi chỉ lặp lại những nhận xét chung chung, áp dụng với bất cứ HS nào như "Em có tiến bộ", "Em cần cố gắng hơn"…

Giảm động lực với học trò

Tại diễn đàn đánh giá một năm thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 20-5 vừa qua, báo cáo kết quả khảo sát thực trạng do PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam thực hiện ở một số thành phố, trong đó có Hà Nội khiến nhiều người không khỏi lo lắng, nghi ngại về tác động của việc này tới chất lượng giáo dục HS. Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, hầu hết GV mà ông tiếp xúc đều than phiền về tác động tiêu cực của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT tới HS. Hơn 63% số GV cho rằng việc đánh giá HS theo cách này không khuyến khích HS vươn lên; 48% số người được hỏi đánh giá kết quả học tập của số đông HS không có gì thay đổi; 39% số GV nhận định kết quả học tập của HS thấp hơn trước.

Việc không cho điểm, không tạo áp lực đối với HS theo tinh thần của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT dường như còn ảnh hưởng tới tinh thần học tập của HS. Kết quả khảo sát cho thấy có gần 64% số GV được phỏng vấn cho là HS lười học hơn; 30% số người cho rằng bình thường, chỉ có chưa đầy 6% số GV đánh giá HS chăm hơn.

Trước những ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục sau một năm thực hiện việc điều chỉnh cách đánh giá từ điểm số sang nhận xét đối với HS tiểu học đang có chiều hướng giảm sút, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng chất lượng giáo dục không chỉ thể hiện qua điểm số. Dù vậy, Thứ trưởng cũng thừa nhận Bộ GD-ĐT chưa lường hết được những khó khăn khi thực hiện việc đổi mới cách đánh giá HS tiểu học. "Thấy được khó ở đâu để tháo gỡ và chỉnh sửa là điều mà Bộ GD-ĐT và GV cần làm. Chúng tôi sẽ nghiêm túc lắng nghe, rút kinh nghiệm để chỉnh sửa hợp lý" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng xu hướng đánh giá năng lực bằng cách nhận xét là xu thế của giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, kỹ năng theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới giáo dục. Việc nghiên cứu, điều chỉnh cách thức triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT cần tập trung trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để HS tiến bộ nhất trong học tập và tu dưỡng, đó là mục tiêu chính của toàn ngành Giáo dục. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học: Mừng ít, lo nhiều!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.