(HNMCT) - Đề tài chiến tranh cách mạng luôn là mảnh đất màu mỡ mà các nhà làm phim mong muốn được thử sức. Điện ảnh Việt Nam một thời lừng lẫy với những thước phim về đề tài này khó có thể phai nhòa trong ký ức của công chúng. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác mảng đề tài chiến tranh cách mạng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi một cách tiếp cận mới, hấp dẫn hơn.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang:
50 năm sau chiến tranh, chúng ta cần cái nhìn rộng mở
Tôi làm phim xuất phát từ sự yêu thích, say mê và tin rằng có hay thì mới làm. Cái hay ở đây bao gồm cả vấn đề tư tưởng, lý tưởng và cả yếu tố nghệ thuật. Khi chúng ta đề cập đến các vấn đề của chiến tranh thì phải rất tinh tế, và chính sự tinh tế ấy mới tạo ra nghệ thuật. Bộ phim phải có sức thuyết phục về nghệ thuật, điều đó rất quan trọng, mang lại thành công hơn so với những bộ phim rất tốt về ý tưởng nhưng lại “xộc xệch” về mặt nghệ thuật. Đối với tôi, điều quan trọng là kịch bản mà mình viết ra người ta phải thấy được cái hay của nó. Còn đối với những vấn đề mà xưa nay chúng ta lo lắng là nhạy cảm thì cần vượt qua định kiến đó nếu chúng ta xem đó là đúng đắn, là nhân văn. Bên cạnh đó, cũng cần có cách nhìn mới. Gần 50 năm sau chiến tranh, nếu chúng ta cứ giữ tâm thế như thời kỳ đất nước còn chiến tranh thì sản phẩm điện ảnh sẽ chẳng có gì khác. Chúng ta cần cái nhìn rộng mở.
Tôi vẫn nghĩ rằng, phim chiến tranh là mảng đề tài khó. Khó về điều kiện làm việc, kinh phí, kỹ thuật, kỹ xảo làm phim. Cách đây 10 năm, bộ phim “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười ra đời. Đây là bộ phim đáng ghi nhận về đề tài chiến tranh. Thực tế, Quảng Trị là chiến trường ác liệt nhất, nhưng trong phim, sự ác liệt ấy vẫn chưa được tái hiện một cách trọn vẹn. Chúng ta cũng phải kể đến những khó khăn về kinh phí, cảnh bom đạn chưa được như mong muốn, đặc biệt là những cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến khi xem phim vẫn cảm thấy có một khoảng cách giữa phim ảnh và thực tế.
Bản thân tôi cũng có cảm giác “mắc nợ” với người bạn của mình, nhà văn Bảo Ninh. Ông là người viết tiểu thuyết, truyện ngắn về đề tài chiến tranh rất thành công. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu tư liệu, tôi cảm thấy mình có niềm say mê thực sự. Chiến tranh là một hoàn cảnh khủng khiếp và trong hoàn cảnh ấy, bản chất con người được bộc lộ. Vì thế, tôi vẫn mong muốn được làm một bộ phim về đề tài này, nói về số phận con người ở hai miền Nam - Bắc, tình yêu con người vượt lên số phận, hoàn cảnh. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của sự hòa hợp dân tộc, vì thế, tôi nghĩ rằng những bộ phim về đề tài chiến tranh không cần phải xoáy sâu vào sự căm thù giữa các bên mà phải làm sao đóng góp cho nền hòa bình trở nên vững bền.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng:
Người đạo diễn phải chắc chắn về mặt tư liệu
Khi định "thiết kế" một “thế giới” nào đấy, ở một giai đoạn lịch sử nào đấy thì người đạo diễn đã phải chắc chắn về mặt tư liệu. Hồi còn trẻ, tôi đã dành thời gian đọc nhiều sách lịch sử, đi nhiều nơi ở trong và ngoài nước để thu thập tư liệu, để bây giờ chỉ có làm mà thôi. Khi nhắc đến một chi tiết bất kỳ của một giai đoạn lịch sử, anh đều phải nói rành rọt về nó. Nếu anh vừa làm vừa tìm hiểu, nghiên cứu thì sao có thể làm phim có chất lượng được. Khi viết kịch bản phim, tất cả những chi tiết xung quanh nhân vật đều được thể hiện rất kỹ lưỡng. Thời trẻ xông xáo đi làm phim này phim kia về lịch sử thì bây giờ, khi đã có tuổi, tôi cố gắng đi tìm cái độc đáo, cái riêng có của câu chuyện, của nhân vật, để tạo sự khác thường, nổi bật, cô đọng hơn.
Tôi thường tự viết kịch bản phim, chủ động phát triển ý tưởng của mình. Với một bộ phim, nếu khi xem thấy 3 - 4 lỗi về cảnh quay thì đương nhiên người xem sẽ cảm thấy “kỳ”. Lỗi về chiến thuật quân sự thì phải là những người có chuyên môn mới nhận ra được. Còn lỗi về trang phục, đạo cụ... thì ngay cả khán giả bình thường cũng sẽ phát hiện ra, không thể chấp nhận được. Tôi không phải là người thích làm phim hiện thực. Nhưng muốn làm phi hiện thực, để cho những người “hiện thực nhất” cũng phải chấp nhận thì người đạo diễn phải hiểu một cách cặn kẽ về nó.
Tuy vậy, người làm phim phải cân đối tính lịch sử và dã sử khi tiếp cận dòng phim này. Ví dụ như với phim “Thầu Chín ở Xiêm”, tôi đã thể hiện chất dã sử trong đó khá rõ ràng. Nếu không dựa vào chất dã sử thì sẽ không tạo được những khuôn hình mang tính nghệ thuật, như thế nó sẽ thành phim hiện thực ngay. Lịch sử là hiện thực, nhưng nếu nhìn từ góc độ của âm thanh, âm nhạc thì nó sẽ mang một màu sắc mới.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ:
Mong có sự phối hợp nhiều hơn giữa nhà nước và tư nhân
Dự án phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” khiến tôi rất tâm đắc, bởi từ lâu tôi đã thích tác phẩm văn học của nhà văn Xuân Thiều. Sau quá trình chuyển thể kịch bản, tôi đã đi thực tế tại những cánh rừng thuộc tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu về những con đường, không gian nơi các nữ thanh niên xung phong đã sống. Những câu chuyện về sự hy sinh của họ tạo cho tôi nguồn cảm hứng, sự biết ơn đối với công lao của các thế hệ cha ông trong cuộc chiến này. Đây thực sự là một hành trình đáng giá và tôi cảm thấy mình may mắn khi được trải nghiệm.
Khi nói về phim chiến tranh Việt Nam, tôi được biết mỗi nhà sản xuất đều tâm huyết đối với 1 - 2 dự án phim về đề tài này. Nhưng điều khiến họ ngại nhất liên quan tới vấn đề kinh phí. Thứ hai là có những góc khuất, mảng miếng muốn đưa lên phim sao cho chân thực, sống động nhưng lại ngại vì nhạy cảm. Ví dụ như trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”, tôi muốn kể câu chuyện ám ảnh hơn bởi tôi hiểu những ẩn dụ trong truyện ngắn này, chẳng hạn như hình ảnh con vượn và người chồng của nữ thanh niên xung phong tên là Mùi. Tuy vậy, tôi đã phải bỏ đi một số cảnh bởi nó vẫn bị cho là nhạy cảm. Cho đến bây giờ, sau rất nhiều năm kể từ khi truyện ngắn này ra đời, sự nhạy cảm đó vẫn còn.
Có nhiều đạo diễn say sưa với đề tài phim chiến tranh. Có một số bộ phim do nhà nước đầu tư, sản xuất xong gần như không thể ra rạp. Bản thân các nhà làm phim chưa tạo được dòng chảy cho dòng phim về chiến tranh và cũng dễ hiểu khi những bộ phim đơn lẻ ra rạp như “Truyền thuyết về Quán Tiên” có thể bị chìm khuất. Tôi mong sẽ có sự phối hợp nhiều hơn giữa nhà nước và tư nhân, không chỉ có những bộ phim ca ngợi đơn thuần mà còn phản ánh được sự hy sinh, góc khuất mà cha ông ta trải qua trong cuộc chiến đó.
Kinh nghiệm của tôi là khi làm phim chúng ta sẽ không nghĩ nhiều đến những rào cản nữa, mà cố gắng làm thế nào để có một bộ phim mà khán giả thấy hấp dẫn, cuốn hút từ đầu đến cuối. Còn tất cả những việc liên quan đến kiểm duyệt, khó khăn hay sự nhạy cảm... thì chính nhà sản xuất phải cân đối được điều đó. Sau khi trải qua dự án “Truyền thuyết về Quán Tiên”, tôi đã nghĩ rất nhiều về câu chuyện kiểm duyệt. Tôi nghĩ, trong thời gian tới khi Luật Điện ảnh được sửa đổi, các nhà làm phim sẽ thoải mái hơn với những ý tưởng mới và các nhà sản xuất sẽ mạnh dạn hơn trong đầu tư cho lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.