(HNM) - Tham gia Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc về đề tài hiện đại ở Thái Bình vừa qua có hơn 700 diễn viên của 13 đoàn tham dự .
Trong 16 vở diễn, BTC đã trao huy chương vàng cho 3 vở là "Đất làng" (Nhà hát Chèo Thái Bình),"Giếng thơi trong phố" (Nhà hát Chèo Việt Nam) và "Quan lớn về làng" (Nhà hát Chèo Hà Nội). Tuy nhiên, các vở diễn đã không mở ra những hướng đi hay mang lại những giá trị nghệ thuật cho bộ môn chèo như giới chuyên môn vẫn kỳ vọng.
Đi ngược thời gian, vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, trùm chèo xứ Đông là Nguyễn Đình Nghị đã đưa chèo từ quê ra Hà Nội. Để thu hút khán giả thị thành, Nguyễn Đình Nghị đã biên soạn rất nhiều vở, trong đó lần đầu tiên ông đưa những nhân vật của thời đại vào chèo là các ông phán, ông ký, ông thông, thậm chí cả gái làng chơi. Ông cũng "kịch nói hóa" chèo khi chia thành màn, thành lớp, lại thêm thiết kế phông màn. Ban đầu những vở diễn này cũng thu hút được khán giả Hà thành khi ban hát diễn ở rạp Quảng Lạc (phố Đào Duy Từ ). Song các vở diễn mà Nguyễn Đình Nghị gọi là "chèo văn minh" cũng không sống được lâu cho dù thời kỳ này có rất ít hoạt động nghệ thuật. Nguyên nhân là khán giả chỉ thích các vở hay trích đoạn chèo cổ, họ xa lạ với ông phán đầu đội mũ cát két trên sân khấu. Mặt khác, các thiên phóng sự trên báo về xã hội hấp dẫn họ hơn.
Chèo "văn minh" kém khách, Nguyễn Đình Nghị chuyển sang chèo cải lương, nôm na là các làn điệu chèo được hát theo kiểu cải lương vì đầu những năm 1930, cải lương gây cơn sốt ở Hà Nội. Nhưng rồi chèo cải lương cũng không "sống" được lâu, vì nhiều người cho rằng thà xem cải lương còn thích hơn là xem chèo hát kiểu cải lương. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, một số nhà hoạt động sân khấu đưa đề tài cách mạng vào chèo, trong đó có cả những cảnh sinh hoạt Đảng và bí thư chi bộ... hát í i. Trong những năm 1960, một số tác giả đưa đề tài chống Mỹ và đề tài sản xuất vào chèo, dù thành công về tuyên truyền nhưng lại thất bại về nghệ thuật. Sở dĩ chèo không mặn mà với đề tài hiện đại vì cái đích của chèo là "nội dung hóa đạo đức" chứ không thể "nội dung hóa xã hội". Ở chèo cổ, tính xã hội không bao giờ rõ ràng, chỉ biết đó là thời kỳ phong kiến nhưng không cụ thể là triều đại nào, vua nào. Mặt khác đặc trưng của chèo là "kể chuyện bằng ngôn ngữ hài hước", nên đề tài hiện đại khó mà đáp ứng được. Các nhà lý luận phê bình sân khấu đã không ít lần cảnh báo đừng cố đưa đề tài hiện đại vào chèo vì không những không mang lại giá trị nghệ thuật mà còn biến thành chèo thông tấn. Ở Trung Quốc, người ta từng đưa đề tài hôm nay vào Kinh kịch nhưng nhìn chung là thất bại. Song với Nhật Bản, họ không thay đổi Tuồng Nô, có lẽ họ hiểu được vấn đề.
Thực tế cho thấy có thể đưa cái hôm nay vào một số bộ môn nghệ thuật truyền thống để làm mới cái cổ, song không phải là tất cả, trong đó có chèo. Cũng đừng bắt các nhà hát chèo phải có doanh thu dẫn đến họ cải tiến, cải biên để rồi làm mất hồn vía của bộ môn nghệ thuật này. Hãy để nguyên như các cụ ta đã sáng tạo, như thế tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.