(HNM) - Chỉ còn hai tháng là đến Tết Nguyên đán 2017, nông dân cả nước đang tập trung sản xuất chuẩn bị nông sản, thực phẩm cho thị trường cuối năm, và các cơ quan quản lý đánh giá: Từ nay đến Tết Nguyên đán, giá cả sẽ không có nhiều biến động, nguồn cung tương đối dồi dào...
Nguồn cung dồi dào nên giá cả nông sản, thực phẩm dịp Tết dự báo sẽ không có nhiều biến động, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Anh Tuấn |
Cần chú trọng công tác bình ổn giá
Về tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017, theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), đối với mặt hàng lúa gạo, dự kiến sản lượng lúa cả năm 2016 đạt 44,2 triệu tấn, sau khi trừ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp còn gần 1,2 triệu tấn, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2017. Vì vậy, nếu các ngành chức năng làm tốt công tác bình ổn giá thì sẽ không có biến động về lương thực.
Cũng như lúa gạo, nguồn thực phẩm trong nước tương đối dồi dào. Năm 2016, sản lượng thịt hơi các loại dự kiến đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó thịt lợn hơi đạt 3,6 triệu tấn, thịt gia cầm 980 nghìn tấn, thịt trâu, bò 421 nghìn tấn. Đó là chưa kể lượng thịt lợn nhập khẩu cả nước là 8.591 và 104.574 tấn thịt gia cầm… “Do nguồn cung lớn nên mặc dù mưa lũ diễn ra tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn cho nông dân nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung sản phẩm và thị trường cuối năm” - Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định.
Có mặt ở một số trang trại chăn nuôi tại Hà Nội, dễ nhận thấy trang trại nào cũng dồi dào nguồn cung để phục vụ thị trường Tết. Ông Nguyễn Trọng Long - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết, HTX đã ký hợp đồng bán cho các thương lái và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm khoảng 150-200 tấn thịt lợn vào tháng Chạp. Mặc dù, giá lợn đang giảm chỉ còn từ 46.000 đến 47.000 đồng/kg, nhưng chăn nuôi quy mô lớn nên người chăn nuôi vẫn có lãi.
Đối với nguồn cung rau, mặc dù giá rau xanh ở các tỉnh miền Nam và miền Trung có xu hướng tăng từ cuối tháng 10 đến nay do thời điểm bắt đầu vào vụ đông và mưa lớn kéo dài gây ngập úng nhiều diện tích rau màu tại các tỉnh trong khu vực này nhưng tại miền Bắc, việc sản xuất và giá rau xanh tương đối ổn định. Theo nhận định của Cục Trồng trọt, với 890 nghìn héc ta rau hiện có, năng suất đạt 177 tạ/ha, sản lượng rau cả nước đạt gần 16 triệu tấn nên nếu không có biến động lớn về thời tiết thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là dịp cuối năm 2016.
Theo dõi sát tình hình cung cầu
HTX Chăn nuôi Ngũ Châu (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) phát triển đàn gia súc đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết 2017.Ảnh: Bá Hoạt |
Bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết và bình ổn giá là hai nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành trong thời gian tới. Để giữ vững nguồn cung nông sản, thực phẩm phục vụ những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT đang tích cực chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức tốt sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y nhằm bảo đảm đủ nguồn cung có chất lượng tốt phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Bộ khuyến cáo các địa phương chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. Về sản xuất rau, củ quả, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, giá vật tư đầu vào, đặc biệt là chất lượng và giá rau quả trên thị trường để không xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, Cục Chăn nuôi chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khôi phục đàn vật nuôi sau thiên tai ở miền Trung, tổ chức các đoàn công tác đến từng địa phương để làm tốt công tác phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát việc nhập lậu gia súc, gia cầm và tạm tái xuất thực phẩm.
Đối với các đơn vị của Bộ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị theo dõi sát tình hình sản xuất, nắm chắc việc cung cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết để có biện pháp can thiệp kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ đã có kế hoạch theo dõi sát giá đường do nhu cầu sử dụng đường phục vụ sản xuất chế biến bánh kẹo trong dịp Tết tăng cao, trong khi việc sản xuất đường năm nay chậm hơn so với mọi năm để có biện pháp cân đối kịp thời.
Hiện nay, Thanh tra Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) kiểm tra, ngăn chặn việc tăng giá đột biến, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.