Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồi dào hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2015

Thanh Hiền| 22/01/2015 06:24

(HNM) - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu, nhằm bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Dự trữ hàng tăng 10-15%

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, các DN của thành phố và các hộ kinh doanh đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 16.000 tỷ đồng phục vụ Tết, tăng 10-15% so với năm ngoái, dự báo giá cả sẽ không biến động nhiều. Trong đó, sẽ tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu gồm 4.000 tấn gạo trắng thường; 900 tấn thịt lợn; 450 tấn thịt gà, vịt; 5,5 triệu quả trứng gia cầm; 200 tấn thủy hải sản đông lạnh; 1,5 triệu lít dầu ăn; 1.500 tấn rau củ. Ngoài ra, với nguồn vốn của mình, các DN đã chủ động dự trữ số lượng hàng hóa tăng gấp đôi so với lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa, sẵn sàng cung ứng trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Ảnh: Khánh Nguyên


Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, DN đã đặt cọc và ký kết đặt hàng tại các địa phương để bảo đảm giá đầu vào, góp phần bình ổn giá trong dịp Tết. Tổng công ty đã tổ chức 150 điểm bán hàng cố định thuộc hệ thống siêu thị Hapromart; từ ngày 5-2 đến ngày 16-2, Hapro tiếp tục tổ chức 80 gian hàng Tết ngoài trời. Đặc biệt, từ ngày 10-2 đến ngày 14-2, tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội, Hapro sẽ tổ chức 3 điểm bán hàng theo mô hình "Chợ Tết" với sự tham gia của các công ty, đơn vị thành viên. Về phía siêu thị Co.opmart Hà Nội, để chuẩn bị cho chương trình bình ổn thị trường và dịp Tết Nguyên đán sắp tới, siêu thị đã tăng lượng hàng dự trữ gấp hai lần so với các tháng bình thường, lượng hàng dự trữ khoảng 60 tỷ đồng, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, 90% lượng hàng hóa là hàng Việt Nam.

Dự báo, sức mua trong dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng khoảng 15% so với các tháng trong năm, các DN đều cam kết bảo đảm số lượng, chất lượng hàng hóa và bán đúng giá. Riêng các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ Tết, do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh nên giá cả có thể biến động nhẹ. Bên cạnh đó, các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ bán ra các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với số lượng tăng từ 10 đến 15%, bảo đảm phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.

Không để xảy ra khan hàng, sốt giá

Để người dân Thủ đô đón một năm mới vui tươi, ngành công thương Hà Nội sẽ duy trì lượng hàng dồi dào, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý và cam kết không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài 600 điểm bán hàng bình ổn giá, các DN thương mại còn tổ chức 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, bếp ăn trong khu công nghiệp, trường học, công ty bảo đảm giá bán ổn định theo giá đã được Sở Tài chính chấp thuận. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã tạm ứng hơn 276 tỷ đồng giúp các DN dự trữ hàng bình ổn giá, tập trung vào 7 nhóm hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, rau củ. Với khả năng sản xuất, kinh doanh như vậy, lượng hàng hóa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Bên cạnh công tác chuẩn bị tốt hàng hóa trong dịp Tết, Sở Công thương Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý thị trường, tập trung chống hàng buôn lậu, đặc biệt là hàng đồ chơi, quần áo, mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá…; tiến hành kiểm tra các kho hàng lớn, những nơi tập kết hàng hóa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của Hà Nội. Qua đó, người dân khu vực ngoại thành cũng được lợi nhiều từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhờ lượng hàng hóa dồi dào, ít biến động về giá. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, Sở Công thương Hà Nội cần có các phương án bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa không chỉ trước và trong Tết, mà cả dịp sau Tết cũng phải dồi dào, tránh tình trạng thiếu hàng gây sốt giá ảo. Các DN cần chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết. Thời điểm cuối năm cũng là dịp để các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc, hàng trốn lậu thuế hoành hành. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; tăng cường chống buôn lậu, hàng giả để nhân dân Thủ đô an tâm đón Tết Ất Mùi 2015 trong đầm ấm, yên vui.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồi dào hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.