Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Đôi chân nối dài'' của vận tải hành khách công cộng

Tuấn Lương| 24/03/2022 07:20

(HNM) - Xe đạp đô thị là xu thế chung của các đô thị trên thế giới do mang lại nhiều lợi ích, thực sự là “đôi chân nối dài” của vận tải hành khách công cộng. Hiện là thời điểm thích hợp để triển khai loại hình này tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Mẫu xe đạp đô thị của Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam nghiên cứu triển khai tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Khải

Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã chính thức kiến nghị UBND thành phố cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm triển khai xe đạp đô thị trong thời gian 12 tháng tại một số quận trung tâm và tại các nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở Khu liên cơ quan thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, việc phát triển xe đạp để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác là cần thiết bởi nó góp phần đa dạng hóa loại hình, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và hướng tới một thành phố văn minh.

Về phía nhà đầu tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam Đỗ Bá Dân cho biết, đơn vị đã có khoảng 4 năm nghiên cứu và dần hoàn thiện mô hình, từ thiết kế xe đạp; cải tiến phần mềm để tăng tính hiệu quả cho công tác quản lý cũng như tiện ích cho người sử dụng. Trước khi nghiên cứu triển khai ở Hà Nội, từ giữa tháng 12-2021, Trí Nam đã chính thức vận hành thí điểm tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Sau 3 tháng vận hành, đã có gần 110.000 người tham gia sử dụng qua App.

Theo đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam, giai đoạn đầu trong 2022-2023 sẽ triển khai ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa và Thanh Xuân với 85 điểm trạm và 1.000 xe (trong đó có 500 xe đạp thường và 500 xe đạp điện). Quy mô giai đoạn 2 (từ năm 2023) có thể mở rộng ra 3.000 xe. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần tải App, đăng ký thông tin cá nhân và nạp tối thiểu 10.000 đồng là có thể sử dụng dịch vụ mà không cần phải đặt cọc. Giá thuê xe chỉ 5.000 đồng/30 phút và 10.000 đồng/giờ.

Nhiều người dân tỏ ra quan tâm đến thông tin Hà Nội sắp thí điểm loại hình xe đạp công cộng đô thị. "Xe đạp đô thị sẽ là “mảnh ghép” còn thiếu, góp phần kết nối hữu hiệu mạng lưới giao thông công cộng Thủ đô. Tôi rất mong đợi và sẽ sử dụng ngay khi dịch vụ này ra đời” - em Bùi Đức Anh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa chia sẻ.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, để không “chết yểu” sau quá trình thí điểm xe đạp công cộng đô thị, thành phố Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong vấn đề phát triển giao thông đô thị bền vững; có nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nhu cầu sử dụng xe đạp theo vị trí, không gian và thời gian, cho các nhóm đối tượng.

Thực tế năm 2016, tại Hà Nội đã có 1 đơn vị được sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài đã triển khai khoảng 600 xe đạp ở khu vực Bách Khoa, chủ yếu phục vụ sinh viên tại cụm các trường đại học trong khu vực quận Hai Bà Trưng với mức giá cho thuê 3.000-5.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, mô hình này đã “chết yểu” sau thời gian ngắn bởi phạm vi hoạt động hạn chế.

Theo Tiến sĩ Phạm Hoài Chung (chuyên gia về chiến lược giao thông - vận tải), muốn phát triển mô hình trên thì phải tạo được môi trường để bảo đảm xe đạp hoạt động được an toàn. Đấy là yếu tố quan trọng nhất. Tức là dần dần phải bố trí được các làn đường dành riêng, các biện pháp hỗ trợ cho xe đạp công cộng để người sử dụng dịch vụ được an toàn. Tiếp đó phải quy hoạch được các điểm đỗ xe kết nối với các phương thức vận tải khác thật sự thuận lợi; công nghệ (App) phải thuận tiện nhất cho người sử dụng. Cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước phải “vào cuộc” mạnh mẽ với các cơ chế, chính sách hỗ trợ để hấp dẫn nhà đầu tư. Như vậy mới có thể thu hút được những doanh nghiệp đủ lớn phát triển thành mạng lưới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Đôi chân nối dài'' của vận tải hành khách công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.