(HNMCT) - Những thay đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì luôn là vấn đề làm đau đầu các bậc phụ huynh. Nhiều cuốn sách kỹ năng đã ra đời nhằm cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm để người lớn có thể đồng hành với tuổi “teen”.
Nhiều năm qua, thị trường xuất bản nở rộ dòng sách công cụ, sách kỹ năng. Xã hội ngày càng phát triển, việc dạy con không còn đơn thuần theo bản năng và kinh nghiệm truyền lại; phụ huynh ngày nay còn học cách làm cha mẹ tốt, học cách giáo dục và trở thành người bạn đồng hành với con. Sách cẩm nang làm cha mẹ là kênh tham khảo quan trọng và dễ kiếm tìm của các bậc phụ huynh.
Hơn mười năm trước, cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” được dịch sang tiếng Việt đã làm lay động nhiều ông bố, bà mẹ trẻ. Tuân theo nguyên tắc “đối với sự trưởng thành của con trẻ, vấn đề tối quan trọng là ở giáo dục, chứ không phải ở tư chất”, người mẹ Trung Quốc trong cuốn sách đã tạo nên kỳ tích trong hành trình dạy con, để đưa con gái của bà gặt hái quả ngọt với giấy báo trúng tuyển của 4 trường đại học nổi tiếng ở Mỹ kèm học bổng toàn phần. Cuốn sách trở thành “cẩm nang” để các bậc phụ huynh Việt tham khảo và được tái bản nhiều lần.
Nhiều người cho rằng, để đạt được thành công như bà mẹ trong cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” là điều không dễ dàng, nhưng các bậc phụ huynh vẫn có thể học hỏi ít nhiều trong đó. Bởi thế, khi một bà mẹ Việt Nam - nhà báo Hồ Thị Hải Âu - có con nhận học bổng toàn phần của Đại học Harvard thì khắp cộng đồng mạng đã sôi nổi thảo luận về phương pháp dạy con. Cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của nữ nhà báo này sau đó đã “chào đời”. Chỉ trong 10 ngày đầu phát hành, 6.000 cuốn đã được bán hết và ngay lập tức được tái bản. Điều đó cho thấy mối quan tâm hàng đầu của bậc làm cha mẹ trong việc tìm kiếm phương pháp dạy con.
Ngoài nữ tác giả Hồ Thị Hải Âu, một số nhà văn, nhà báo khác cũng chia sẻ về cách nuôi dạy con. Có thể kể đến nhà báo Thu Hà với “Con nghĩ đi mẹ không biết”, nhà văn Phong Điệp với “Cùng con vượt “bão” tuổi teen”... Những cuốn sách đó không chỉ tiết lộ “bí kíp” học tập cùng con để con “học mà không nhọc”, để con giành được học bổng của trường đại học nổi tiếng hay có thể tự học tiếng Anh đạt IELTS 8.0 khi mới chỉ 12 tuổi, mà quan trọng hơn còn là sự đồng hành, làm bạn cùng con, kịp thời nắm bắt những thay đổi nhỏ bé nhất trong tâm tư, tình cảm tuổi dậy thì.
Theo nhà văn Phong Điệp, để con không vượt ra ngoài tầm kiểm soát, bố mẹ không chỉ cần cởi bỏ ngay chiếc áo “cảnh sát trưởng”, mà thậm chí đôi lúc bạn cần/nên trở thành “đồng bọn” với tụi trẻ. Chỉ khi được con tin cậy và “đóng dấu” là đồng bọn, chúng mới không đề phòng hay che giấu điều gì với bạn.
Cùng chung quan niệm này là tác giả Phúc Lai trong các cuốn sách “Chuyện cha con chúng ta là “đồng bọn”, “Dạy con dạy cha”, “Chuyện con chuyện cha”, "Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu”. Không đặt nặng vấn đề học tập hay điểm số của con, ông bố Phúc Lai quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày, qua đó dạy con từng chút một về đối nhân xử thế, về học cách lao động, về tôn trọng luật pháp, biết yêu thương và sẻ chia. Theo tác giả Phúc Lai, “kết quả học tập là quan trọng, nhưng việc con trở thành con người như thế nào lại quan trọng hơn rất nhiều”.
Có thể nói, tâm lý tuổi dậy thì là vấn đề được nhiều đơn vị xuất bản quan tâm đầu tư làm sách, như các cuốn sách “Cuộc chiến tuổi dậy thì” của Nguyễn Thị Phương Hoa, “Cùng con đi qua tuổi teen” của Chu Hồng Vân - Võ Thu Hà, “Dạy con trong hoang mang” của Lê Nguyên Phương, “Viết cho con đang tuổi dậy thì” của Võ Thị Minh Huệ, hay hàng loạt sách ngoại như “Tuổi teen đáng giá bao nhiêu?”, “Thắc mắc của tuổi mới lớn”, “Tuổi dậy thì nói gì với con”...
Giai đoạn dậy thì đánh dấu những thay đổi lớn không chỉ về thể chất, ngoại hình mà nhận thức, tâm lý lứa tuổi cũng thất thường, nhạy cảm. Những cuốn sách về kỹ năng dạy con góp phần chuẩn bị kiến thức và tâm lý cho các bậc phụ huynh, để họ kịp thời nắm bắt và “đối phó” với những biến đổi thất thường trong tâm lý của “tuổi dở dở ương ương”, qua đó đồng hành cùng con thành công bước qua giai đoạn dậy thì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.