Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo nghệ thuật Furoshiki

An Nhi| 13/03/2010 07:52

(HNM) - Bất ngờ, thú vị, tâm đắc là những gì người ta thu nhận trong những buổi hướng dẫn thực hành về nghệ thuật sử dụng khăn vải truyền thống Nhật Bản (Furoshiki). Chương trình do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản thực hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ ngày 9 đến 12-3.


Cô Hiroko Handa, thành viên Hiệp hội Furoshiki Nhật Bản luôn nhắc mọi người rằng đây là một môn nghệ thuật của kỹ thuật thắt nút và ta có thể học được sự khôn ngoan từ những tấm vải này. Đã 10 năm qua, cô Handa say mê nghiên cứu, sáng tạo môn "nghệ thuật trên khăn vải" và tích cực tham gia hướng dẫn Furoshiki cho trẻ em, cộng đồng ở Nhật Bản cũng như nhiều nước trên thế giới.


Nhịp nhàng và khéo léo, cô Handa đã chia sẻ kinh nghiệm về nếp gấp, nút thắt với những người yêu nghệ thuật Việt Nam. Đơn giản nhất là túi xách 2-3 nút, có thể mang được đồ vật to nhỏ từ hộp bánh, hộp khăn đến chăn bông và cả chiếc thùng lớn. Hay bí quyết gói một đến vài chiếc chai mà không hề va chạm; xếp chiếc túi đựng bánh vuông vắn, gọn gàng có thắt nơ xinh xinh làm quà tặng... Rồi sử dụng vòng tre làm túi có quai xách rất thời trang. Mỗi tấm vải với kích cỡ, hoa văn khác nhau qua bàn tay người sử dụng sẽ mang đến một dáng vẻ, phong cách riêng và chứa đựng tâm hồn, tình cảm của chủ nhân chúng.

Nhiều bạn trẻ ồ lên vui mừng vì mình đã tạo ra được những sản phẩm đáng yêu. Có cả các bạn trai cũng đến theo dõi và chăm chú thực hành. Như Lê Minh Quân (SV ĐH Bách khoa Hà Nội) háo hức kể: "Thú vị nhất là làm bình hoa bằng vỏ chai có xếp nơ duyên dáng. Mình sẽ làm tặng bạn gái vào dịp sinh nhật!".

Môn nghệ thuật bảo vệ môi trường

Đến đây, những câu chuyện về văn hóa Nhật Bản theo từng nút thắt lại mở ra: nào chuyện người Nhật xưa có thói quen dùng khăn trải ra để tắm, gói quần áo rồi phát triển thành nghệ thuật như hiện nay. Hoa văn hình rễ cỏ đan nhau được trẻ con Nhật Bản gọi là họa tiết của kẻ trộm bởi nó thể hiện tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu nên gia đình nào cũng có.

Furoshiki đã xuất hiện từ thế kỷ XVII trong đời sống người Nhật và sức sống của chúng còn đến tận ngày nay bởi nghệ thuật này khá thân thiện với môi trường. Nghĩa là Furoshiki không chỉ tiện ích trong bảo quản đồ, gói quà, trải sàn, trang trí nhà cửa mà sử dụng chúng còn tiết kiệm được tài nguyên và năng lượng. Ví như, đi mua hàng, thay vì sử dụng túi nilon hay giấy người ta có thể mang theo tấm vải để gói đồ về. Chiếc khăn ấy có thể dùng lại nhiều lần. Phong cách sống tiết kiệm, tái sử dụng và tái chế (3R) đang trở nên cần thiết trong cuộc sống và nghệ thuật Furoshiki chính là câu trả lời cho sự thân thiện với môi trường. Nên hiện nay, khăn vải Furoshiki được khuyến khích và sử dụng rộng rãi tại các nhà trường, cửa hàng, siêu thị của Nhật Bản.

Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia chương trình này đã tìm mua sách hướng dẫn những cách gói và thắt nút phức tạp hơn để sử dụng khăn vải và khẳng định sẽ thay đổi hành động từ Furoshiki. Một vài siêu thị ở nước ta cũng đang khuyến khích khách hàng sử dụng túi bền (dùng lại nhiều lần) thay vì túi nilon. Nhưng nếu mỗi người dân biết đến khăn vải Furoshiki, sử dụng nghệ thuật này để gói đồ thì trái đất của chúng ta có thể được bảo vệ tốt hơn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo nghệ thuật Furoshiki

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.