(HNM) - Xứ Đoài tự hào có một Chàng Sơn mà ở đó không chỉ còn nguyên vẹn nét đặc sắc của văn hóa làng xã với những mái đình cổ rêu phong phủ mờ thời gian, những con đường làng lát gạch đỏ au… mà còn một Chàng Sơn đang vươn mình trở thành một điểm sáng kinh tế của Hà Nội từ nghề truyền thống bao đời của cha ông.
Quạt Chàng Sơn (Thạch Thất) thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Bá Hoạt |
Khéo tay, hay làm
Người dân xứ Đoài nổi tiếng khéo tay hay làm, chính vì vậy mà đất này mới có nhiều làng nghề như thế. Con trai xứ Đoài cũng có tiếng là tài hoa, nhanh nhạy với cái mới. Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ "Chàng" ở đây được gắn với một dụng cụ làm nghề mộc. Chàng Sơn là một xã có cuộc sống lành mạnh, con người Chàng Sơn tinh anh nên từ xa xưa đã có câu: "Chớ cho Nủa coi" - ý nói người dân nủa Chàng tinh anh, lanh lợi, ham học hỏi, giỏi bắt chước. Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn.
Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa, sản phẩm của họ làm ra, không còn dành cho những bậc vua chúa nữa mà để bán cho khách thập phương. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh xảo mà chỉ có đôi tay người thợ mới có thể làm ra được. Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm đến siêu lòng với những sản phẩm của làng nghề này. Mỗi gia đình đều là một xưởng, mỗi dòng tộc đều là một cánh thợ đi xa hành nghề. Những người thợ Chàng Sơn có thể dựng đình chùa chỉ với đố, mộng không cần đến một cái đinh.
Chàng Sơn hôm nay có tới 100 cơ sở sản xuất bàn ghế, đồ gia dụng từ gỗ, tạo việc làm cho vài nghìn lao động. Không tính đến những gia đình vốn lớn, tự đứng ra mở xưởng sản xuất hoặc thành lập các công ty môi giới, buôn bán các sản phẩm mộc thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì với giá tiền công cho một người thợ làm thuê 100 ngàn đồng/ngày, trung bình mỗi tháng một người thợ lành nghề cũng có thu nhập từ 3-4 triệu đồng.
Nổi tiếng quạt Chàng Sơn
Rời những xưởng mộc tấp nập, chúng tôi đến các xưởng sản xuất quạt của các nghệ nhân Chàng Sơn. Nhấc một ngụm nước chè, ông Mơ một nghệ nhân làm quạt nổi tiếng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời gắn với chiếc quạt đầy sóng gió nhưng cũng đầy kỷ niệm. Ngay từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và đã từng được người Pháp đưa sang thủ đô Paris triển lãm. Bước vào thời kỳ đổi mới, cả xã Chàng Sơn gần 1 vạn dân thì có đến 3.000 người làm nghề quạt, mỗi ngày trung bình cung cấp cho thị trường 7-8 vạn quạt các loại. Kiểu dáng và mẫu mã rất đa dạng: quạt giấy, quạt nan, quạt the, quạt lụa, quạt tranh. Vài năm gần đây, hàng vạn chiếc quạt Chàng Sơn đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Các họa tiết trên quạt của ông Mơ rất đa dạng và sinh động với muôn hình, muôn vẻ, từ phong cảnh đất nước cho đến các câu chuyện lấy từ các điển tích lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc... có cả thơ, văn, câu đối, ca dao, hò, vè...
Giờ về Chàng Sơn, vẫn những tên xóm tên làng nghe dân dã mà thân thương, như thể bất kỳ làng quê Bắc bộ nào như xóm Đình, xóm Chùa, xóm Giếng… Chỉ có điều, với nguồn lực nội sinh kỳ diệu, nhiều hộ dân Chàng Sơn đã có doanh thu từ sản xuất mộc, quạt, mây giang đan… cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Chàng Sơn cùng với Phùng Xá - Canh Nậu tạo thành thế kiềng ba chân đưa kinh tế tiểu thủ công nghiệp Thạch Thất dẫn đầu các địa phương của ngoại thành Hà Nội. Chàng Sơn làm rạng danh làng nghề xứ Đoài từ sức mạnh nội sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.