Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo bộ tranh lễ phục triều Nguyễn năm 1902

Theo Thế Phong| 12/04/2014 18:27

Từ ngày 11-20/4 tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tổ chức cuộc triển lãm Bộ tranh độc đáo về lễ phục triều Nguyễn năm 1902 của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân.

Tranh Đại Nam hoàng đế sắc phong tại vị. Ảnh: VGP/Thế Phong


Triển lãm trưng bày 25 trong tổng số 54 bức tranh của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân vẽ lễ phục triều Nguyễn từ quần áo của Thiên tử cho đến tôn thất thời điểm đầu thế kỷ XIX. Đây là một tập tranh vốn đã thất tán cách đây trên 110 năm kể từ ngày ra đời.

Bộ tranh của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân gồm 54 bức bọc trong túi vải lanh màu xám nâu; trong tình trạng hoàn hảo. Trên mỗi bức tranh đều có ghi chú các thông tin về địa vị, chức tước, phẩm hàm của các nhân vật bằng hai thứ chữ Pháp và Hán. Toàn bộ tranh được vẽ bằng màu nước và bột màu trên giấy, kích thước 23x31cm.

Ngoài bộ tranh ghi rõ dòng chữ Hán viết bằng son: Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất; chữ Pháp viết bằng mực và được dịch là: Đại lễ phục của triều đình An Nam, do Nguyễn Văn Nhân, chức Biên tu Viện hàn lâm hưu trí, vẽ tại Huế, tháng 12 năm 1902.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Bộ tranh lễ phục triều Nguyễn của Nguyễn Văn Nhân được vẽ theo lối truyền thần, chi tiết, tỉ mỉ. Đây là lối vẽ hiện đại vào thời điểm ra đời của nó với những kỹ thuật tiếp thu từ phương Tây như luật viễn cận, giải phẫu học. Điều đó cho thấy, các bức tranh được kết hợp khá nhuần nhuyễn hội họa truyền thần với hội họa phương Tây mới nhu nhập, đưa nghệ thuật truyền thần phát triển đến một bước mới.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhấn mạnh, chân dung các nhân vật qua ngọn bút tài hoa của Nguyễn Văn Nhân thể hiện thần thái sinh động, trung thực và một tỷ lệ nhân thể hợp lí, chuẩn xác so với tranh truyền thần của các thế hệ đi trước. Các loại phẩm phục, trang phục hoàng gia, triều thần, binh lính… được họa sỹ miêu tả hết sức chi tiết từ màu sắc đến các hoa văn trang trí. Vì thế, bộ tranh được xem là di sản quý, là tài liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu về trang phục cung đình Nguyễn, đặc biệt vào thời kỳ cận đại.

Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa biết vì sao bộ tranh quý trên lại lưu lạc ra ngoài và hiện đang thuộc sở hữu của nhà sưu tập nào? Được biết, vào năm 2011, bộ tranh từng xuất hiện và được rao bán với giá 35.000 USD, song Việt Nam đã để vuột mất cơ hội. Và bây giờ, thông tin về người thủ đắc bộ tranh quý này vẫn là một bí ẩn.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, toàn bộ số tranh được tặng cho Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán bán để làm từ thiện trong dịp Phật đản PL 2558 - Giáp Ngọ 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo bộ tranh lễ phục triều Nguyễn năm 1902

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.