Tài chính

Doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hóa dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023

Hà Linh 20/09/2023 - 12:53

Cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo...

Tại hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức ngày 20-9 tại Hà Nội , ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định, ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư.

anh-hoi-thao-phong-chong-rua-tien.jpeg
Quang cảnh hội nghị.

Trên thực tế, công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính, ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao, giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác.

Báo cáo của Grand View Research cho biết, dù rất non trẻ nhưng thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng là gần 86%/năm trong giai đoạn 2022-2030.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra thách thức trong quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa), nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

Những năm gần đây, tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.

Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ tháng 10-2021 đến 10-2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD... Tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng, trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ ngày 1-10-2021 đến 1-10-2022.

Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên.

Thực tế, dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hóa tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.

Đối với thị trường tiền mã hóa trong nước, theo số liệu mới nhất, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hóa tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hóa sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: "Với vai trò là cơ quan quản lý, Cục sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các hiệp hội, ngân hàng, công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính trong phòng, chống rửa tiền".

Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hóa dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.