Công nghệ

Doanh nghiệp Việt với việc nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến:Học hỏi, hợp tác và nắm bắt cơ hội

Thu Hằng 15/10/2024 - 06:45

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa.

Điều này buộc các doanh nghiệp phải học hỏi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế cũng như chủ động nắm bắt cơ hội.

lap-pin.jpg
Lắp ráp pin tại Nhà máy sản xuất ô tô VinFast (thành phố Hải Phòng).

Tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế

Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến giúp các doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn khoảng cách và tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế. Trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, Việt Nam trước đây cơ bản chỉ tham gia với vai trò lắp ráp, gia công các sản phẩm hoàn thiện từ linh kiện nhập khẩu. Điều này dẫn đến tình trạng phụ thuộc, thiếu tính chủ động trong việc phát triển sản phẩm và công nghệ, hạn chế khả năng nội địa hóa và gia tăng giá trị cho nền kinh tế.

Được thành lập vào năm 2017, đến nay, VinFast đã sở hữu hệ sinh thái sản phẩm thuần điện hoàn chỉnh. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh VinFast Trần Lê Phương cho biết: “Để phát triển các công nghệ mới trên xe điện, VinFast bắt tay với những tên tuổi hàng đầu thế giới như ZF, Valeo về công nghệ Adas (hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao); Gotion, CATL về công nghệ Pin; nVidia, NXP, Renesas, Qualcomm về chíp xử lý... Sự kết hợp này không chỉ giúp VinFast nhanh chóng hoàn thiện công nghệ xe điện, mà còn giúp đội ngũ kỹ sư Việt Nam có cơ hội học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các đối tác có đẳng cấp cao. Đây là một trong những bước đột phá đưa VinFast tiến gần hơn đến việc làm chủ hoàn toàn các công nghệ lõi”.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, việc chuyển giao và làm chủ công nghệ đã giúp Rạng Đông tạo ra những giá trị mới. Khác với các doanh nghiệp chỉ thực hiện khâu lắp ráp và sử dụng linh kiện nhập khẩu, Rạng Đông đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm theo định hướng “Make in Vietnam”, tự sản xuất phần lớn linh kiện, phụ kiện, lắp ráp trên dây chuyền do chính mình chế tạo, với mức độ tự động hóa và robot hóa cao.

Nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế

Theo các chuyên gia, hoạt động chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều thuận lợi. Các kỹ sư Việt Nam có nền tảng tốt, khả năng học hỏi nhanh và có thể nắm bắt các công nghệ mới trong thời gian ngắn khi được tiếp cận và hướng dẫn bởi các chuyên gia quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thế mạnh về phần mềm và dịch vụ, đặc biệt là trong các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, trải nghiệm người dùng... tạo bệ phóng thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất.

Tuy nhiên, khó khăn và thách thức cũng không phải ít. Trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam không có sẵn nền tảng và nguồn lực, từ thiết kế, sản xuất đến phát triển các hệ thống điện tử phức tạp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải học hỏi và hợp tác với các chuyên gia quốc tế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, theo ông Trần Lê Phương, Nhà nước cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và học hỏi công nghệ; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai các công nghệ mới; thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng trong nước giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam...

Ở góc độ quản lý nhà nước, theo Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh, để chính sách quản lý về công nghệ được hoàn thiện hơn, góp phần đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số chính sách, quy định liên quan đến công nghệ. Trong đó, cần cân nhắc xem xét việc sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng có chính sách ưu đãi liên quan đến chuyển giao công nghệ cho đối tượng là bên nhận công nghệ chuyển giao, bao gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, cần áp dụng miễn, giảm thuế cho dự án đầu tư của bên nhận công nghệ trong một giai đoạn nhất định...

Với sự hỗ trợ từ Nhà nước và sự chủ động vươn lên của chính doanh nghiệp, có thể tin vào một tương lai tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nắm bắt các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Việt với việc nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến: Học hỏi, hợp tác và nắm bắt cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.