Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi đột phá

Thanh Hiền| 08/01/2023 07:24

(HNM) - Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thì thị trường nội địa là "bàn đạp" giúp các doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, nhất là khi thu nhập của người dân tăng kéo theo tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, dù rất tiềm năng song việc chinh phục người tiêu dùng Việt Nam không dễ, vì vậy doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu thị trường, tìm hướng đi đột phá để hàng hóa được người tiêu dùng đón nhận.

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành. Ảnh: An Hiếu

Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành được biết đến là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu với kim ngạch tăng cao hằng năm. Những năm trước, thị trường nội địa chưa phải là thị trường chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đơn vị đã chọn hướng quay lại thị trường nội địa.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu chia sẻ: “Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa đã hỗ trợ doanh nghiệp bù đắp doanh thu. Nếu những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu tại công ty, thì bây giờ chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2023, tỷ trọng nội địa sẽ tăng lên 20%. Để hoàn thành mục tiêu này, gỗ Đức Thành đang đầu tư cho khâu thiết kế, marketing, quảng bá thương hiệu, chăm sóc khách hàng nội địa…”.

Không chỉ gỗ Đức Thành, mà nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng chọn quay lại thị trường nội địa. Theo Bộ Công Thương, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số loại hàng hóa (nhất là mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi là yếu tố quan trọng để kéo doanh nghiệp quay lại với thị trường nội địa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Từ số liệu trên có thể thấy, thị trường tiêu dùng nội địa vẫn tăng trưởng tích cực khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng tốt.

Chuyên gia phân tích của VnDirect cho rằng, biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân. Xét về tiêu dùng tại thị trường nội địa, cũng cần để ý thêm về xu hướng mua hàng trực tuyến gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu nhà xưởng hay trung tâm phân phối. Theo số liệu khảo sát, hiện có gần 60% người Việt Nam cân nhắc mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi. Nhờ đó, doanh thu hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng cao.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước đã thích ứng với những hành vi tiêu dùng mới này bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số các quy trình và thậm chí cả mô hình sản xuất, kinh doanh. Các công ty cũng dần nhận ra sự cần thiết của việc thực hiện chiến lược số hiệu quả nhằm duy trì tính cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là hướng đi mới của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn và rào cản vẫn hiện hữu khi quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú chia sẻ, để dành được nhiều hơn nữa thiện cảm cũng như mối quan tâm của người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước ngang bằng với chất lượng sản phẩm xuất khẩu quốc tế. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần chú ý hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, giải pháp đầu tiên của doanh nghiệp là thay đổi kết cấu thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang nỗ lực khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.