(HNMO) - Việt Nam được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới. Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu trong đầu tư vào giá trị thương hiệu.
Đây là một trong những thông tin được nêu ra tại lễ khai mạc Tuần lễ thương hiệu quốc gia và diễn đàn quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với Trường Đại học RMIT, các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức tại Hà Nội, ngày 20-4.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỷ USD; năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021, đạt 431 tỷ USD.
Với sự hỗ trợ của Chương trình thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
Nếu năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong tốp 50 thương hiệu giá trị nhất, chiếm tỷ trọng 28%, thì sau 5 năm, con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong tốp 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
Kết quả trên cho thấy, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị và chỉ số sức mạnh thương hiệu.
Ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, qua 15 năm nghiên cứu về thương hiệu, Brand Finance nhận thấy, việc đưa ra các cam kết để tạo sự tin tưởng cũng như xây dựng hình ảnh thân thuộc là chìa khóa để xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Việt Nam cũng cần tạo nên giá trị mềm với 8 trụ cột, gồm: Kinh doanh; thương mại; quản trị; quan hệ quốc tế; văn hóa di sản; truyền thông; con người và giáo dục; tương lai bền vững. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất cần được chú trọng là nền kinh tế vững mạnh, môi trường kinh doanh thân thiện, những thành phố bền vững…
Để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam thời gian tới, theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu; đồng thời doanh nghiệp cần có cách tiếp cận chuyên nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.