Làn sóng FDI liên tục “đổ” vào thị trường bán lẻ tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội địa. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các nhà bán lẻ trong nước liên tục đưa ra nhiều chiến lược để mở rộng thị phần, khẳng định vị thế trên “sân nhà”.
Thị trường bán lẻ hiện đại: Tiềm năng lớn, cạnh tranh khốc liệt
Thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người); cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50). Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020.
Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore 90%...).
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, nguồn vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ Việt Nam. Trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới.
Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế. Chỉ có một số ít nhà bán lẻ lớn như: VinCommerce, Saigon Co.op, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… được đánh giá có đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ.
Gia tăng khả năng cạnh tranh, giữ lại thị phần cho nhà sản xuất, nhà phân phối Việt là bài toán lớn đặt ra với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Bởi, khi cán cân bán lẻ nghiêng về các “ông lớn” ngoại quốc, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối để tiếp cận người tiêu dùng.
“Ông lớn” bán lẻ hợp tác cùng 100 nhà cung cấp chiến lược phát triển ngành bán lẻ
Tiềm năng của ngành bán lẻ Việt Nam lý giải việc vài năm gần đây, thị trường này liên tục diễn ra các thương vụ M&A. Nổi bật nhất, cuối năm 2019, Tập đoàn Masan đã mua lại VinCommerce - hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam về quy mô với hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau, củ, quả tươi từ Vingroup.
Báo cáo tài chính quý III-2020 của Masan Group cho thấy, 9 tháng năm 2020, VinCommerce (VCM) đạt doanh thu 23.678 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), chiếm 42,5% trong tổng doanh thu 55.600 tỷ đồng toàn hệ thống Masan. EBITDA của VCM được cải thiện từ -5,1% trong quý I, -8,5% trong quý II lên -2,8% trong quý III và dự kiến hòa vốn trong quý IV năm nay. Như vậy, chỉ sau chưa đầy một năm tiếp nhận điều hành VCM, Masan có được những thành công bước đầu trong việc tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của VinMart/VinMart+.
VCM dự kiến phục vụ 300 triệu lượt khách hàng, doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng trưởng 25% so với năm 2019, tạo tiền đề cho việc mở rộng mạng lưới điểm bán mạnh mẽ trong năm 2021. Mục tiêu đến năm 2025, VCM sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+ tại 63 tỉnh, thành với 10 triệu khách hàng thân thiết.
Mới đây, VCM đã tổ chức hội nghị đối tác 2020 và công bố chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 với nhiều chính sách mới dành cho nhà cung cấp. Tại hội nghị, ông Trương Công Thắng - Tổng Giám đốc VinCommerce chia sẻ, nhà cung cấp sẽ nhận được nhiều lợi ích vượt trội khi hợp tác cùng VCM như: Gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng nhờ vào quy mô hàng đầu của hệ thống bán lẻ hiện đại; được hỗ trợ đẩy mạnh nhận diện thương hiệu; đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng nhờ tối ưu logistics; chú trọng chất lượng tới tay người tiêu dùng; tiết kiệm chi phí.
Doanh nghiệp này đặc biệt đưa ra quy hoạch tốp 100 đối tác chiến lược sẽ đồng hành để dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam và hàng loạt những đặc quyền dành riêng cho nhóm đối tác chiến lược này. VCM sẽ cùng các đối tác chung tay tăng cường mức đầu tư, đổi mới sản phẩm và phát triển thương hiệu, xây dựng mô hình hợp tác Win - Win, tạo sự bình đẳng giữa các nhà phân phối trong thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc VinCommerce, quan điểm của VCM là tất cả các nhà cung cấp đều bình đẳng, người tiêu dùng là người lựa chọn và quyết định. Tầm nhìn của VCM là trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam về nhu yếu phẩm, tạo sân chơi công bằng cho các đối tác, giành lại thị phần bán lẻ cho người Việt Nam và hướng tới vươn tầm khu vực. Với tất cả các nhà cung cấp, đơn vị này đều ký kết minh bạch và có chính sách giám sát nhân viên, bảo đảm hợp tác dựa trên nền tảng tin cậy, liêm chính, công bằng và hai bên cùng có lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.