(HNM) - Tìm hiểu nguyên nhân và gỡ đầu ra cho rau an toàn (RAT) là nội dung chính tại diễn đàn "Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức với sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố phía bắc, các nhà khoa học và doanh nghiệp diễn ra ngày 28-10 tại Hà Nội.
Chăm sóc rau sạch trong nhà lưới tại Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Ảnh: Trung Kiên |
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có 199 mô hình với diện tích 2.643ha áp dụng VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn) được chứng nhận, trong đó có 74 mô hình trên rau với diện tích 264,315ha. Diện tích các vùng sản xuất RAT tập trung còn thấp, đạt khoảng 9-10% diện tích rau cả nước. Sản xuất RAT đòi hỏi nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khép kín, được công nhận bởi một tổ chức quốc tế hay tổ chức trong nước ủy quyền thực hiện. Sản phẩm phải được truy nguyên xuất xứ. Muốn thực hiện theo đúng quy trình trên, nông dân phải thực hiện bài bản từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ và bảo quản; những yếu tố liên quan đến sản xuất như môi trường, các chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bao bì đều phải tuân thủ quy trình "sạch".
Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ RAT còn lỏng lẻo khiến quy mô trồng rau còn nhỏ, biện pháp quản lý, tiêu thụ chưa đồng bộ. Đặc biệt là sự nhập nhằng giữa RAT và rau không an toàn, dẫn đến tình trạng trồng RAT chưa thắng thế về hiệu quả kinh tế - xã hội. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, người sản xuất RAT chỉ cần bán cao hơn rau truyền thống khoảng 3% là chấp nhận được; trong khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng mua cao hơn rau truyền thống khoảng 5-10%. Vậy tại sao họ vẫn chưa gặp nhau? Vấn đề nằm ở khâu lưu thông, phân phối chưa ổn, chưa tạo được niềm tin vững chắc về chất lượng RAT trong người tiêu dùng... Theo một điều tra không chính thức của ngành bảo vệ thực vật Hà Nội, có tới 80% người tiêu dùng sẵn sàng mua RAT nếu thực sự tin đó là rau an toàn 100%. Thế nhưng, các nhà sản xuất, phân phối vẫn thiếu cách làm bài bản, công phu để đáp ứng yêu cầu này của "thượng đế".
Theo đề án phát triển RAT của Hà Nội, đến năm 2015, thành phố phấn đấu có khoảng 5.000-5.500ha RAT nhưng đến thời điểm này, Hà Nội mới có trên 3.200ha RAT được trồng ở nhiều vùng sản xuất tập trung tại Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Trì..., đáp ứng hơn 20% nhu cầu tiêu thụ rau của người dân trên địa bàn. Nhưng tại Hà Nội, hiện có hai doanh nghiệp chính đang tham gia kinh doanh, phân phối RAT là Công ty Hương Cảnh phân phối RAT đến 27 siêu thị, cửa hàng và một số bếp ăn tập thể với sản lượng 800 - 1.000 kg/ngày; Công ty Vietxan với cửa hàng bán RAT và cung cấp rau cho chuỗi nhà hàng đạt sản lượng 500 - 700 kg/ngày. Sự thiếu bóng của các doanh nghiệp khiến người tiêu dùng và người sản xuất không "bén duyên" được vì không có kênh phân phối. Đặc biệt, để RAT "chiếm" một vị trí trong siêu thị là điều rất khó, bởi giá thuê cửa hàng cao, mua bán dưới hình thức ký gửi, rủi ro kinh tế lớn, lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp không "mặn mà".
Khắc phục một trong những điểm yếu nhất là khâu tiêu thụ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho biết, Hà Nội đưa đề án thực hiện quy hoạch các chợ đầu mối RAT gắn với các vùng sản xuất lớn và các trục đường giao thông chính. Tùy theo quy mô khu dân cư, Hà Nội bố trí từ 1 đến 3 cửa hàng bán RAT ở mỗi khu. Tổng số cửa hàng kinh doanh RAT sẽ lên đến 520.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.