(HNM) - Để chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu xã hội, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh...
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Hoàng Ngọc Vinh, rào cản khiến doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo chưa có sự hợp tác chặt chẽ là bởi họ chưa có sự đồng điệu trong tư duy, bắt nguồn từ sự thiếu thông tin, thấu hiểu về lợi ích và thế mạnh của nhau. Nhà trường nhiều khi còn thụ động, chưa nhận thức thấy sự sống còn, phát triển của trường là nằm ở sự hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp. Thay vào đó, họ vẫn có tâm lý trông chờ vào nguồn tài chính bao cấp để tồn tại, rồi chú trọng mở rộng quy mô, kiếm tiền từ liên kết đào tạo mà quên nghiên cứu để có các sản phẩm tiếp cận tới doanh nghiệp. Cơ chế tài chính hiện nay nặng về cấp phát nên cũng khiến các trường thiếu động lực để tìm tới doanh nghiệp.
Giờ thực hành trên máy của các sinh viên Trường Đại học FPT.Ảnh: Nguyệt Ánh |
Về phía mình, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực chất lượng cao đều cho đây là bài toán nan giải. Phó Giám đốc Đơn vị phần mềm chiến lược 1 FPT Software Hoàng Mạnh Hà cho biết, trong năm 2013, FPT Software sẽ tuyển khoảng 2.000 vị trí. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này lại khan hiếm, vì vậy, công ty coi việc liên kết với các trường ĐH như là cầu nối hỗ trợ cho các chiến dịch tuyển dụng nhân sự CNTT chất lượng cao.
Tuy nhiên, điểm yếu mà hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp phải là tình trạng nguồn nhân lực này khó có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp ngay sau khi ra trường, dẫn tới việc phải đào tạo lại. Khắc phục điều này, nhiều đơn vị đã xác định phải có phương án tích cực hơn đối với sinh viên mới ra trường còn thiếu nhiều kỹ năng. Ông Vũ Tuấn Đức, Trưởng phòng Thiết kế phần mềm - Trung tâm Công nghệ Viettel R & D, cho rằng: Không nên chỉ biết đổ lỗi cho công tác đào tạo trong trường học mà chính các nhà tuyển dụng phải tạo cơ hội cho sinh viên thì mới có thể tìm được các ứng viên đạt yêu cầu. Công ty sẵn lòng chấp nhận cả những sinh viên chưa thực sự phù hợp và tạo cơ hội cho họ tiếp cận công việc trong khoảng thời gian hai tháng. Qua đó, công ty có thể tìm được những người thực sự phù hợp.
Nhanh nhạy tìm đến nhau
Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp, trong năm 2012, Trường ĐH FPT đã hình thành một khung hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó nêu ra những nội dung mà doanh nghiệp có thể phối hợp với nhà trường trong đào tạo như tạo môi trường thực tập cho sinh viên, cấp học bổng, tạo việc làm cho sinh viên và tiến hành hoạt động nghiên cứu phối hợp giữa hai bên. Ngoài ra, tận dụng được lợi thế gần gũi với các doanh nghiệp cùng chuyên ngành, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp, thu nhận góp ý của họ trong việc xây dựng giáo trình giảng dạy đáp ứng được thực tiễn. Kết quả là nhà trường đã bổ sung vào chương trình đào tạo một số chuyên ngành hẹp phù hợp với nhu cầu trong ngành CNTT như: Điện toán đám mây, lập trình di động, kỹ sư cầu nối Nhật Bản… Trường ĐH FPT cũng cho biết sẵn sàng dành 20% chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Việc này không những giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đào tạo mà còn giúp nhà trường biết được xã hội cần gì để dạy và loại bỏ những nội dung không cần thiết.
Còn theo quan điểm của lãnh đạo Công ty TNHH Canon Việt Nam, việc hợp tác với các trường cũng là một cách giúp công ty hạn chế được việc phải đào tạo lại sau khi được tuyển dụng, đồng thời cũng giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội thực hành khi còn trên giảng đường. Hiện nay, ngoài việc tổ chức các hội thảo hướng nghiệp, giới thiệu cơ hội thực tập và việc làm, công ty đang xây dựng kế hoạch hợp tác với các Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Công nghiệp để thực hiện một số đề tài nghiên cứu, cho ra những sản phẩm cụ thể. Trong đó, công ty sẽ hỗ trợ môi trường làm việc, trang thiết bị, dụng cụ, kỹ thuật cho các trường để sản phẩm được nghiên cứu và hoàn thiện.
Để tạo thêm nhịp cầu giữa nhà đào tạo và các nhà sử dụng lao động, hiện Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ trong và ngoài nước chưa có việc làm. Theo kế hoạch, đề án sẽ được trình Thủ tướng vào tháng 10-2013. Ngoài ra, hiện nay các bộ, ngành đang triển khai đề án theo Quyết định 601/QĐ-TTg của Thủ tướng về xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia, bắt đầu triển khai vào năm 2015. Hiệu quả của các đề án này được hy vọng sẽ giúp cho các nhà quản lý, cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động cũng như người học có định hướng khi hoạch định công tác đào tạo, tuyển dụng và học tập thay vì phải tự mò mẫm như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.