(HNM) - Vững tin vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, thậm chí, lên các kịch bản khác nhau, tìm hướng đi mới là cách một số doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch lan rộng, sự chủ động “biến nguy thành cơ” của doanh nghiệp đã và đang tạo động lực để nhiều đơn vị khác cùng nhìn lại bài toán chi phí, mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức và đặc biệt là tăng sự liên kết nội địa nhằm giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tăng cường liên kết chuỗi
Câu chuyện của ngành Dệt may thích ứng trong thời điểm dịch Covid-19 tác động nặng nề là một bài học. Ước tính, dịch Covid-19 gây thiệt hại cho ngành Dệt may khoảng 5.000 tỷ đồng (tính đến tháng 4-2020). Song theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đây cũng là “phép thử”, giúp các đơn vị rà soát khâu yếu kém, tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất.
Điển hình như, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân - thành viên của Tập đoàn Dệt may, đã đẩy mạnh sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để đáp ứng nhu cầu phòng dịch. Ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân cho biết, do sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, tự sản xuất được vải nguyên liệu (vải kháng khuẩn đang xuất sang Nhật Bản), nên công ty chớp cơ hội tăng doanh số từ việc may khẩu trang và tăng sản lượng vải cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành để cùng sản xuất mặt hàng này. “Sắp tới, công ty sẽ sản xuất thêm bộ quần áo kháng khuẩn để phục vụ công tác chống dịch”, ông Trần Việt thông tin thêm.
Cùng với việc thích ứng nhanh thị trường, một số doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường cung cấp. Ông Nguyễn Hồng Cầu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình điện Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) cho biết, hiện đơn hàng đơn vị nhận được tăng khoảng 40% so với trước đây do sau khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc hạn chế, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động tìm đến công ty. Nhờ đó, người lao động có thêm việc làm và thu nhập cũng tăng, đồng thời từng bước hình thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm trong nước.
Không chỉ các đơn vị sản xuất chủ động tìm giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, mà các ngành nghề kinh doanh bán lẻ cũng đã có sự chủ động hơn. Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), khi thị trường xuất khẩu trọng điểm bị ngừng trệ, doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa, dưới hình thức online, giao hàng tận nơi cho khách hàng. “Chúng tôi chuyển một số mặt hàng xuất khẩu như gạo sang tiêu thụ tại thị trường nội địa; chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn thay cho may mặc xuất khẩu. Hapro không chỉ bảo đảm việc làm cho người lao động, mà còn chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa, thực hiện bình ổn giá”, ông Vũ Thanh Sơn thông tin.
Thay đổi phương thức vận hành
Thay đổi phương thức vận hành sản xuất cũng là cách nhiều doanh nghiệp chọn để thích ứng với thị trường. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, mảng thực phẩm tươi sống của VISSAN sụt giảm tiêu thụ nhưng mảng thực phẩm chế biến lại có sức mua tăng đột biến. Nắm bắt điều đó, công ty đã đầu tư thêm dây chuyền. "Thuận lợi là đơn vị có sẵn nguồn nhân lực từ mảng thực phẩm tươi sống nên việc đáp ứng yêu cầu sản xuất mới nhanh hơn. Đặc biệt, chúng tôi đã triển khai thêm kênh bán hàng trực tuyến bên cạnh kênh truyền thống”, ông Phan Văn Dũng chia sẻ.
Cũng liên quan đến triển khai ứng dụng trực tuyến, bên cạnh dịch vụ GrabFood, Grab Việt Nam đã thử nghiệm thêm dịch vụ GrabMart. Theo đó, người dùng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây, rau quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị và được Grab giao hàng tận nơi. Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết, quy trình này lược bỏ các khâu ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công nên rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, nhưng qua đó nhiều doanh nghiệp cũng nhanh nhạy tìm được cơ hội kinh doanh, sản xuất. Ông Tô Hoài Nam phân tích, dịch bệnh khiến nhiều nước phải tăng nhu cầu sử dụng, tích trữ hàng hóa. Do đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường thế giới.
Nhận xét về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã cho thấy sự chủ động vượt khó, tìm "cơ trong nguy" để duy trì sản xuất, kinh doanh, thậm chí còn gia tăng xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một số lĩnh vực có cơ hội phát triển như thương mại điện tử; kinh doanh, xuất khẩu hàng tiêu dùng, hàng hóa phục vụ chống dịch; cung ứng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp… Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng có thể đón bắt cơ hội khi các thị trường lớn gia tăng nhập khẩu bù đắp thiếu hụt khi dịch bệnh lắng xuống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.