(HNM) - Thống kê cho thấy hiện nay hầu hết doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều thu phí quá cao so với quy định. Nhiều lao động đã từng đi làm việc ở nước ngoài cho biết họ đã phải nộp mức phí cao gấp 10 lần quy định.
Ví dụ, trường hợp anh Nguyễn Ngọc Chiến (quê huyện Tam Nông, Phú Thọ) đã phải nộp phí môi giới lên tới 6.000 USD để sang Hàn Quốc làm việc trong khi theo quy định người lao động (NLĐ) chỉ phải nộp 675 USD. Có lao động còn phải mất tới 10.000-15.000 USD để được xuất ngoại. Các lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc cũng mất phí cao tương tự. Con số mà Ủy ban Lao động Đài Loan điều tra về mức phí của NLĐ Việt Nam đưa ra trung bình từ 5.600 đến 7.000 USD/người.
Do nôn nóng, nhiều lao động đã chi quá nhiều tiền cho các trung tâm môi giới. Ảnh: Nguyễn Phan |
Giải thích cho việc thu phí quá cao, tại một hội thảo về XKLĐ mới đây, đại diện một doanh nghiệp đã thừa nhận do mức phí môi giới bị đối tác Đài Loan đẩy lên cao. Bên cạnh đó, có nhiều DN có chức năng XKLĐ nhưng lại yếu thế, không đủ năng lực đã trao lại quyền cho cá nhân trong và ngoài nước sử dụng giấy phép làm liều, đẩy chi phí cho môi giới cao hơn nhằm tranh giành đơn hàng. Tính riêng thị trường Đài Loan, hiện có gần 70 DN có giấy phép. Song hiện thị trường có hơn 100 chi nhánh hoặc trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo để thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn và đào tạo lao động đi làm việc tại nước này. Điều này gây nên tình trạng phí xuất cảnh tăng cao hơn quy định, do đó các DN buộc phải thu thêm phí của NLĐ bù đắp cho việc khai thác thị trường, tạo nguồn, chi phí cho các thủ tục hành chính rườm rà ở các địa phương có lao động đăng ký đi XKLĐ.
Hầu hết NLĐ muốn thoát nghèo bằng cách đi XKLĐ đều phải cầm cố tài sản, đất đai hay đi vay mượn cả trăm triệu đồng để nộp phí môi giới nên họ rất lo lắng thời hạn 3 năm đi XKLĐ sẽ không đủ để trả tiền vay cả gốc và lãi và buộc phải tìm cách trốn ra ngoài để làm thêm, kiếm thêm thu nhập tích lũy sau này. Bên cạnh đó, việc các DN bán, khoán trắng giấy phép thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý, năng lực chỉ đạo, điều hành, công tác thanh tra, giám sát các DN của các cơ quan liên quan. Hơn nữa, việc xử lý các trường hợp sai phạm còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên càng ngày càng có nhiều DN vi phạm quy định và rõ ràng thiệt thòi thuộc về NLĐ.
Hồi đầu tháng 2-2012, Bộ LĐ-TB&XH từng có văn bản yêu cầu các DN đưa NLĐ đi Đài Loan phải tuân thủ mức phí cụ thể là tổng chi phí trước khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại nước này không vượt quá 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm (trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD); chi phí trước khi đi làm việc trong gia đình và chăm sóc sức khỏe tại Đài Loan không vượt quá 3.800 USD (tiền môi giới không vượt quá 800 USD). DN có thể thỏa thuận với NLĐ việc ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng nhưng mức tiền ký quỹ tối đa không được quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm. Nếu phát hiện NLĐ được tuyển chọn đi làm việc tại Đài Loan sau ngày 1-4-2012 phải chịu chi phí cao hơn quy định trên, DN sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, DN không được phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng pháp nhân để tổ chức tuyển chọn, thu tiền đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào.
Dù là quy định mới, dù có nhiều động thái nhằm giảm mức phí quá cao do DN tự "vẽ" ra nhưng xem ra cách làm không triệt để nên mọi chuyện vẫn "giậm chân tại chỗ". Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho rằng chính việc "giơ cao đánh khẽ" với các DN, chính những hạn chế yếu kém trong công tác cấp phép, quản lý DN dẫn đến những hành động liều lĩnh, làm ẩu từ các DN và gây thiệt hại cho NLĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.