(HNM) - Năm 2013 qua đi để lại dấu ấn đầy vất vả, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhiều đơn vị phải cố gắng duy trì hoạt động nếu không muốn rơi vào cảnh ngừng hoạt động. Có thể nói, bức tranh DN năm qua là sự đan xen, nhưng chủ yếu vẫn là những động thái cầm cự,
Nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho biết, trong số những DN trả lời câu hỏi thăm dò thì có 60% DN cho rằng, hiệu quả của các chính sách và giải pháp hỗ trợ DN đạt mức bình thường trở lên, 40% đánh giá ở mức thấp. Trong đó, các động thái nhằm hỗ trợ về chính sách thuế là một trong những biện pháp truyền thống để hỗ trợ DN, tạo được hiệu ứng nhanh nên được nhiều đơn vị đánh giá cao, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Riêng biện pháp gia hạn nộp thuế cho một số đối tượng DN đã nhận được sự đồng thuận khá rộng rãi, mang lại cơ hội tự điều chỉnh về việc thu xếp và sử dụng nguồn lực, đáp ứng yêu cầu nộp ngân sách một cách chủ động hơn. Đứng thứ hai về tác động tích cực là giải pháp hoàn thuế bảo vệ môi trường và giảm 50% tiền thuế đất năm 2013 và năm 2014. Đứng thứ ba là các nhóm giải pháp về vấn đề vốn tín dụng, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ, áp dụng mức thuế 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và áp dụng 20% thuế thu nhập DN đối với các DN có tổng doanh thu trong năm không quá 20 tỷ đồng. Trong khi đó, các giải pháp về giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chính sách quản lý thị trường vàng miếng chưa được đánh giá cao. Cụ thể, có 42% số DN đánh giá các giải pháp này có hiệu quả thấp và rất thấp, vì còn chung chung, khó đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, một số giải pháp thị trường đôi khi chỉ có thể tác động đến một số nhóm DN hoặc ngành hàng riêng lẻ mà thiếu sự gắn kết hoặc sức lan tỏa rộng. Trong một số tình huống, tác động của chính sách chưa thể hiện kết quả rõ rệt do độ trễ cũng như cần phải có một quá trình "thẩm thấu" nhất định.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang trông chờ vào cơ chế, chính sách điều hành từ các cơ quan chức năng để vượt qua tình hình khó khăn hiện nay. Ảnh: Thanh Hải |
Thực tế cho thấy, diễn biến thị trường và đời sống KT-XH năm 2013 có chiều hướng cải thiện và "ấm" dần qua thời gian. Do đó, số DN "hồi sức", có thể trụ lại trên thương trường ngày một đông, kéo theo nhu cầu vay vốn ngân hàng của DN có xu hướng tăng hơn so với năm 2012. Đây là biểu hiện đáng mừng. Tuy nhiên, còn có 34,8% DN không vay vốn, trong đó 40,5% DN trả lời vì lãi suất cao, kinh doanh không đạt mức lợi nhuận để trả lãi; 21,1% cho rằng thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; 18,6% do đã tìm được kênh huy động vốn khác. Chỉ có 2,7% là do đang có nợ xấu nên không vay được vốn. Ở thời điểm tháng 12-2013, số DN phải vay ở mức lãi suất trên 12% là 32,7%, tức thấp hơn rất nhiều so với mức 74,9% của năm 2012. Như vậy, việc giảm lãi suất đã tạo điều kiện tốt cho DN tiếp cận nguồn vốn và khôi phục niềm tin đối với hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, xét về dài hạn thì vẫn còn 63,3% số DN cho biết sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi suất này.
Kiên trì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp
Đứng trước những khó khăn "bủa vây" DN dưới nhiều góc độ như 3 năm gần đây, Chính phủ, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã, đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ. Theo nhận định của giới chuyên gia, năm 2014 vẫn ẩn chứa nhiều khó khăn phía trước và vì vậy DN trông chờ nhiều hơn vào cơ chế, chính sách điều hành từ các cơ quan chức năng… Đặc biệt, trong bối cảnh một số lượng khá lớn DN đang quay trở lại hoạt động thì các giải pháp cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc này sẽ trông đợi vào hoạt động xúc tiến thương mại ngay trong nước để bên bán và mua gặp nhau nhằm vừa khơi thông thị trường, vừa thúc đẩy giao thương giữa cộng đồng DN, cũng là giảm mức nhập khẩu thông qua sử dụng hàng nội thay thế. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ triển khai các biện pháp tăng cường hoạt động quảng bá hàng Việt tại các thị trường trọng điểm. DN cũng được khuyến cáo cần tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa theo hướng đa dạng hóa cả sản phẩm và thị trường, không nên bỏ qua thị trường nhỏ để gia tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như giảm rủi ro khi có sự thay đổi trên thị trường cũ. Ngoài ra, Chính phủ sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình, dự án quan trọng; tập trung vốn cho các công trình giao thông lớn như đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng… để kết hợp giải ngân, tạo việc làm cũng như cơ hội tiêu thụ nhiều loại nguyên liệu, vật tư đối với DN thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Riêng các DN nhà nước sẽ được đôn đốc để tăng tốc độ thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kết hợp với việc cổ phần hóa với tinh thần kiên quyết. Chính phủ vừa chỉ đạo: Cơ quan quản lý rà soát hệ thống văn bản, để kịp thời loại bỏ những vấn đề bất hợp lý; hỗ trợ DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan; khuyến khích DN từng bước chuyển dịch sang việc sản xuất những mặt hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao để phát triển bền vững…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.