Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp tìm cách giữ vững thị trường

Thanh Hiền| 19/03/2011 06:53

(HNM) - Hàng loạt yếu tố

Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí, tạo sản phẩm mới với giá bán hợp lý để giữ vững thị trường trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Yến Ngọc


Công ty CP Dầu thực vật Tường An là DN chuyên sản xuất dầu ăn. Năm nay, DN đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 50 tỷ đồng, chưa bằng một nửa của năm 2010. Lý giải về vấn đề này, đại diện Công ty cho biết, DN đang gặp nhiều khó khăn do có tới hơn 90% nguyên liệu của đơn vị phải nhập khẩu. Mới đây, Công ty liên tục nhận được thông báo của hàng loạt đối tác về giá nguyên liệu tăng, loại tăng ít nhất cũng là 15%. Thêm vào đó, tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng, lãi suất cũng tăng cao (lãi suất VND cho vay cao nhất tới 22%)... đã gây áp lực lớn buộc DN phải tăng giá bán sản phẩm. Vì vậy, mục tiêu lớn nhất của Tường An hiện nay là bảo toàn vốn, giữ vững thị trường. Đồng quan điểm với Tường An, Trưởng ban Kỹ thuật và Marketing của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, ông Đỗ Hải Triều chia sẻ, do giá nguyên liệu, tỷ giá tăng, DN phải tăng giá sản phẩm, nhưng điều này lại khiến DN gặp khó do phải cạnh tranh với hàng nhập lậu giá rẻ...

Nhiều DN cho rằng, việc tăng giá sản phẩm chỉ là giải pháp tình thế, không phải là "gốc" của vấn đề. Ông Trịnh Chí Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến chia sẻ, DN phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã giảm chi tiêu, tạo sản phẩm mới với giá thành hợp lý để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Nếu chất lượng sản phẩm không tăng, mà chỉ tăng giá DN sẽ khó qua được "cửa ải" này. Công ty Cao su Hà Nội (HARCO) cũng đang tập trung các biện pháp tiết kiệm điện, nước, giảm tiêu hao nguyên vật liệu; giảm biên chế... Không mở rộng đầu tư, tập trung cho những dự án đang triển khai để tránh lãng phí và quay nhanh vốn lưu động. Nhiều chuyên gia khẳng định, với lãi suất 18-22%, sản xuất công nghiệp hòa vốn còn khó, nói gì đến lãi...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn giữ được giá "đầu ra" trong khi chi phí "đầu vào" tăng, DN buộc phải giảm chi phí, thậm chí phải giảm cả sản lượng. Đây là thời điểm các DN phải lựa chọn, ưu tiên chọn những mục tiêu dễ thực hiện, đầu tư vốn ít, tránh những phí tổn không cần thiết vào thời điểm này. Sáng kiến tốt nhất hiện nay là tạo ra lợi nhuận ngắn hạn, thông qua việc giảm chi phí như tiết kiệm điện, xăng, dầu, hội họp... Các DN cần rút ngắn thời hạn các khoản thanh toán, hạn chế vay vốn ngân hàng, nhất là vay dài hạn vì lãi suất hiện nay quá cao; đồng thời, giảm các đơn hàng dài hạn, vì dễ chịu rủi ro từ tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt, cộng đồng DN nên hợp tác để tăng xuất khẩu, cân đối được nguồn ngoại tệ, tạo vốn, cân bằng đầu ra - đầu vào, đổi mới công nghệ...

Trước những diễn biến hiện tại của thị trường, nhiều DN cho rằng, các ngành chức năng nên có các chính sách hỗ trợ DN với những dự án sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mặt khác, về lâu dài cần có quy định chặt chẽ hơn để hạn chế nguồn hàng nhập khẩu chất lượng kém đang cạnh tranh không lành mạnh với hàng sản xuất trong nước, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp tìm cách giữ vững thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.