Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp phải tự đánh giá mình khi gia nhập AEC

Tuấn Khôi| 10/01/2016 06:08

(HNM) - Năm 2015 khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là việc chúng ta tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).



Theo đó, AEC được hình thành với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề trong khối.

Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa (NVV) khi không chỉ lo ở "sân nhà" mà còn phải vươn ra "sân khách". Cơ hội đang rộng mở với "sân chơi" lớn hơn nhưng nếu không biết tận dụng, gạt bỏ thách thức thì khó khăn vẫn bộn bề.

Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm.


Chưa có bước chuẩn bị kịp thời

- Thưa ông, trong cộng đồng DN Việt Nam, DNNVV chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ông có thể cho biết về sự trưởng thành của loại hình DN này trong thời gian qua?

- Sau khi có chủ trương hội nhập, mở cửa với nhiều thành phần kinh tế, DNNVV phát triển với tốc độ rất nhanh. Biểu hiện cụ thể là, DNNVV đã làm ra 50% GDP, khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu, sử dụng trên 50% số lao động hiện có trong cả nước và đóng góp khoảng 30% ngân sách cho đất nước. DNNVV có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo... Số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân đã nộp cho Nhà nước đã tăng hàng chục lần sau 10 năm. Sự đóng góp đó đã hỗ trợ lớn cho việc chi tiêu vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác nhau. Đó là kết quả không những tạo ra tiềm lực cho nền kinh tế mà còn tạo nên những chính sách tốt cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, với chủ trương đổi mới đúng đắn, sự tháo gỡ khó khăn, sát, đầy đủ hơn của Chính phủ và các cấp, nhiều DNNVV đã vượt qua khó khăn, trụ vững trước tác động mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới. Việc quản lý theo nguyên tắc thị trường tốt hơn đã tác động lan tỏa giúp DN bớt khó khăn hơn...

- Khi Việt Nam tham gia AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội cùng với thách thức đối với các DN nhưng DNNVV được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ông có thể đánh giá về năng lực cạnh tranh của các DNNVV Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

- Mặc dù việc hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới chính thức được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay DN trong nước, nhất là các DNNVV vẫn chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho quá trình này, trong khi đây lại là “đội quân chủ công”. Số DN có nỗ lực đổi mới, chủ động đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh rất ít. Nhiều DN vẫn bị mắc kẹt trong thị trường bất động sản, không ít đơn vị tìm kiếm chênh lệch giá qua chênh lệch địa tô, khai thác tài nguyên.

Một số DN thành đạt một thời đã gây dựng được thương hiệu, mới đây đã “nhượng lại” quyền kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài... Khi chúng ta vươn ra nhanh hòa nhập với thế giới bằng các hiệp định WTO, song phương, đa phương, đặc biệt là tham gia AEC, các DN Việt Nam càng bộc lộ những yếu kém và rất chật vật để chống chọi với “cơn bão” khủng hoảng kinh tế nên không còn sức lực để quan tâm đến hội nhập. Từ đó dẫn đến việc DN không lường trước những khó khăn khi Việt Nam mở cửa sâu rộng để có bước chuẩn bị kịp thời cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức.

- Ông có thể chỉ rõ những yếu kém cơ bản của DNNVV Việt Nam hiện nay?

- Đa số DNNVV có điểm yếu là vốn điều lệ rất ít, trong khi vốn tự có chưa tích lũy được, phụ thuộc chủ yếu vào vay ngân hàng nên rất bị động và khó huy động vốn, nhất là vốn dài hạn. Thứ hai, về công nghệ, gần như 88% công nghệ của DNNVV lạc hậu, phần lớn là máy móc đời cũ, thiết bị chắp vá. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật để đổi mới công nghệ không tiếp cận được nhanh, năng suất rất thấp, giá thành cao. Thứ ba là chất lượng nguồn nhân lực kém, chuyên gia đầu ngành rất ít, chủ yếu làm theo kiểu truyền miệng, kinh nghiệm mà không có điều kiện học hành, tiếp cận công nghệ kỹ thuật cao, chỉ có 30% được đào tạo nhưng nhiều khi không trúng ngành nghề. Thứ tư là hiểu biết kinh doanh thị trường, hiểu biết đối tượng, văn hóa khách hàng, văn hóa kinh doanh, trình độ quản lý rất thấp. So với DN nhà nước, DNNVV tư nhân ít được tiếp cận, ưu đãi về đất đai, vốn ODA... hơn, mà vẫn phải cạnh tranh với các DN có đủ điều kiện, được ưu ái nên khả năng cạnh tranh rất thấp. Thêm vào đó, thủ tục hành chính rất cồng kềnh, rườm rà cũng làm cho DN rất khó khăn.

Đòi hỏi cấp thiết

- Có ý kiến cho rằng, những yếu kém về con người và thể chế chính là hai “hòn đá tảng” cản trở sự phát triển, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian qua, đồng thời cũng là những cản trở lớn nhất khi chúng ta tham gia AEC. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Đúng vậy, hiện nay vẫn có rất nhiều người lao động, kể cả cán bộ lãnh đạo có tư duy đổi mới không trọn vẹn; nhận thức về kinh tế thị trường, cạnh tranh thị trường không sâu, dẫn đến việc thực hiện đổi mới ở nhiều nơi thiếu kiên quyết, triệt để. Về thể chế, hay nói cách khác là môi trường pháp lý của nước ta tuy đã có được những bước tiến dài sau khi sửa đổi, bổ sung một số luật, nhưng quá trình triển khai luật vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Kể cả việc đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như cơ cấu lại nền kinh tế cũng chậm so với nghị quyết và văn bản hướng dẫn, quá trình triển khai vào thực tiễn lại chưa được mạnh mẽ, đồng bộ. Bên cạnh đó, bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh, hiệu quả kém chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của DN.

- Để giúp DN vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế khu vực, chúng ta phải khắc phục những khó khăn gì?

- Khó khăn thứ nhất là chúng ta chưa có môi trường kinh doanh hoàn chỉnh. Cùng với đó, các thủ tục hành chính, cải cách tư pháp mới chỉ thực hiện được nửa “quãng đường”. Một số thủ tục thuế đã sửa sát với khu vực nhưng vẫn có những hướng dẫn không phù hợp.

Hai là về cơ cấu đổi mới kinh tế, chúng ta đang cố gắng sắp xếp, phấn đấu để bộ máy hoạt động hiệu quả lên nhưng mới có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng khá hơn, còn tái cơ cấu nợ công và DN chuyển biến chưa rõ nét…

Ba là tính minh bạch, công khai, dân chủ, công bằng trong điều hành đã được đề cập rất nhiều nhưng chưa được thực hiện nghiêm, có những cái không phù hợp, đồng bộ, sự phối hợp của các ngành không chặt chẽ nên không tạo thành sức mạnh.

Bốn là, việc nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân và DN chưa nhiều, trong khi chúng ta đang dồn dập ký các hiệp định đa phương, song phương, tham gia các khối với những điều kiện rất cụ thể, ngặt nghèo, đòi hỏi trình độ rất cao. Mặc dù các DN cũng đã tự tìm hiểu, khắc phục, vươn lên nhưng vẫn còn chắp vá, không đồng bộ, không có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước vào đúng địa chỉ. Cho nên, kể cả về nhận thức, bố trí đội hình, xây dựng các chiến lược, biện pháp cụ thể khi hội nhập chưa được đầy đủ, đồng bộ. Thêm vào đó, chúng ta đào tạo cán bộ phục vụ, dịch vụ cơ quan công quyền chưa được hoàn chỉnh nên trách nhiệm, ý thức làm việc, tạo điều kiện để giải quyết các khó khăn cho DN còn hạn chế.

- Như vậy, những đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với Việt Nam khi tham gia AEC hiện nay là gì?

- Khi tham gia vào AEC, trình độ công nghệ và năng lực của DN Việt có ý nghĩa quan trọng, vì khi đó chúng ta phải từng bước dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa của các nước thành viên sẽ được tự do lưu thông trong khối ASEAN. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh bình đẳng, tự do trong một thị trường hơn 600 triệu dân, DN Việt Nam phải có trình độ công nghệ tương đương với các nước trong khu vực. Vấn đề là Nhà nước cần tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao nhận thức cho từng DN để họ hiểu được yêu cầu của hội nhập.

Hiện nay thị trường xuất khẩu của chúng ta đang ngày càng được mở rộng, chúng ta đang có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực xuất khẩu dệt may, da giày…, nhưng có một số ngành xuất khẩu còn chưa mạnh, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, đối với ngành Nông nghiệp, cần tái cơ cấu, tái cấu trúc lại tất cả các khâu, từ con giống, thức ăn, công nghệ chế biến… Ngoài vấn đề dinh dưỡng, cần chú trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm vốn được các nước hết sức coi trọng. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần giúp DNNVV liên kết các chuỗi giá trị: Chăn nuôi - chế biến - phân phối, trong đó DN đóng vai trò chủ đạo và được Nhà nước tạo điều kiện trong việc vay vốn bằng các chính sách hỗ trợ bình đẳng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách

- Để giải quyết những vấn đề trên, hiện DN còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Ông có thể chỉ rõ rào cản lớn nhất đối với DNNVV hiện nay là gì?

- Trong bối cảnh hiện nay, nếu các cơ chế, chính sách, hình thức hỗ trợ không có thay đổi cơ bản, không được luật hóa, mà chỉ được giải quyết bằng văn bản dưới luật như nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hay công văn hướng dẫn của các bộ, ngành theo kiểu “vướng đâu gỡ đó”, hạn chế chỗ nào xử lý chỗ đó, chứ không có chính sách căn cơ, thì hệ thống DNNVV sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn khi tham gia AEC. Do đó, DN cần tìm hiểu sâu khi ra quyết định về địa điểm đầu tư chính là sự hài hòa về chính sách thuế trong ASEAN mà cụ thể là thuế DN. Mặt khác, việc tiếp cận thông tin liên quan đến kinh doanh, đặc biệt là thông tin ở cấp độ khu vực còn hạn chế, đây là trở ngại chính với các DN Việt Nam. Điều này chứng tỏ các DN chưa nhìn thấy giá trị của cơ hội mà AEC đem lại.

- Trước những yêu cầu cấp thiết trên, DNNVV cần phải có những biện pháp cụ thể như thế nào khi gia nhập AEC?

- Để thực hiện được những yêu cầu trên thì vai trò của Nhà nước là chủ yếu nhưng đương nhiên không thể thiếu các DN, đặc biệt là DNNVV. Ngay từ bây giờ, bản thân DN cần phải chủ động vươn lên, không thụ động chờ Nhà nước hỗ trợ. DN phải khẩn trương dốc toàn bộ nguồn lực để đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh. DNNVV phải tự đánh giá lại khuyết điểm, ưu điểm, mặt mạnh yếu của mình; những thành công, thất bại, những kinh nghiệm đã được rút ra; tìm hiểu những vấn đề đang diễn biến trên thế giới, nhất là những nội dung mới của các hiệp định đã ký, những chính sách sẽ ban hành để tự xác định, xây dựng chiến lược cho mình, kể cả chiến lược sản xuất kinh doanh nhỏ, kế hoạch bán hàng, chất lượng và số lượng sản phẩm. Qua đó có thể khai thác một cách tối đa những hệ thống chính sách, diễn biến tình hình mới để phát huy những mặt đã đạt được và khắc phục những tồn tại.

- Theo ông, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm gì để hỗ trợ các DNNVV khi tham gia AEC và hội nhập quốc tế?

- Tôi cho rằng, chúng ta phải nhanh chóng hoàn chỉnh luật lệ, hướng dẫn DN, tạo một hệ thống đồng bộ thống nhất để đáp ứng yêu cầu DN. Nhà nước phải có quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, bố trí mặt hàng, khai thác thị trường, tăng cường tổ chức thị trường bất động sản, thị trường vốn, bảo hiểm... Chính phủ có thể giúp các DN đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua các biện pháp như sử dụng thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng và các biện pháp tự vệ, quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... phù hợp cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cần tăng cường trách nhiệm, hiệu quả bộ máy làm việc của các cơ quan công quyền, các cấp lãnh đạo chính quyền. Mỗi khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chính quyền các địa phương và hệ thống ngân hàng cùng chung tay, giúp sức, tháo gỡ khó khăn cho DN. Việc xây dựng hệ thống thông tin chính sách pháp luật hỗ trợ cho các DNNVV cũng cần được chú trọng nhiều hơn như: Xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ DN, xây dựng quỹ hỗ trợ DN với vai trò làm cầu nối giữa DN và các tổ chức tín dụng hay các chương trình hỗ trợ DN khai thác thị trường đầu ra... Nhà nước cần tạo cơ chế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp DN không gặp vướng mắc khi hội nhập, hỗ trợ DN về đào tạo nhân lực, thủ tục hành chính; đồng thời tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy sự liên kết giữa các vùng miền, các sản phẩm, tạo điều kiện cho DN phát triển tốt thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống hỗ trợ DN về pháp lý để có thể bảo vệ quyền lợi cho DN, tránh được những rủi ro khi xảy ra kiện cáo.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp phải tự đánh giá mình khi gia nhập AEC

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.