Bộ Giao thông Vận tải mới ban hành văn bản số 3864/BGTVT-KHCN cho phép ôtô kinh doanh vận tải trong diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe (GPS-Hộp đen) chậm nhất sau 6 tháng khi đã có cam kết cụ thể lộ trình lắp đặt với cơ quan quản lý.
Theo đó, với các trường hợp đã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô nhưng chưa thể lắp kịp hộp đen, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có văn bản cam kết cụ thể lộ trình lắp đặt hộp đen trình cơ quan quản lý cấp phép vận tải căn cứ điều kiện thực tế của doanh nghiệp để xem xét chấp thuận.
Thiết bị hộp đen đạt quy chuẩn của công ty Bình Anh (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Cụ thể, lộ trình cho doanh nghiệp lùi thời hạn và cam kết không được chậm quá 6 tháng so với thời hạn quy định bắt đầu từ 1/7.
Với thiết bị đã lắp đặt trên phương tiện vận tải, doanh nghiệp phải thống kê, báo cáo cụ thể về số lượng, kiểu loại, tính năng kỹ thuật, điều kiện hợp đồng, thời gian lắp đặt, đơn vị cung cấp và chủ động phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ để có phương án thay thế thiết bị đã lắp đặt.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải phải đảm bảo việc lắp hộp đen theo đúng quy định. Bởi, việc lắp đặt thiết bị này là một trong các điều kiện bắt buộc khi xem xét để cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Bắt đầu từ ngày 1/7, việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp chỉ được xem xét sau khi đã được kiểm tra và đảm bảo các xe ôtô kinh doanh vận tải đã được lắp hộp đen hợp quy.
Giải thích cho việc tiến độ lắp hộp đen chậm, theo các chuyên gia, đến giờ triển khai, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang do dự, lúng túng và bối rối. Các doanh nghiệp vẫn chưa có thời gian chuẩn bị cho công việc này về lựa chọn thiết bị lắp ráp, khai thác thông tin, quản lý theo dõi xe.
Ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện tử Bình Anh, đơn vị chuyên sản xuất, lắp ráp thiết bị hộp đen đầu tiên được cấp giấy chứng nhận quy chuẩn hợp quy vào ngày 17/6 cho rằng, hiện tại các đơn vị cung cấp hộp đen hoàn toàn có thể đáp ứng đủ số lượng và khả năng lắp đặt mỗi thiết bị cũng chỉ mất có 30 phút.
“Hiện tại, mỗi tháng công ty Bình Anh có thể sản xuất được 5.000 hộp đen hợp quy cung cấp ra thị trường trong khi nhu cầu hộp đen hợp quy cần cho cấp phép kinh doanh vận tải bình quân hàng tháng khoảng 2.000 chiếc,” ông Thanh Anh khẳng định.
Ông Thanh Anh cho biết thêm: “Vấn đề lắp đặt phụ thuộc rất lớn vào việc doanh nghiệp đưa xe về bến, bãi và không ảnh hưởng đền việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng làm cho việc lắp đặt chậm tiến độ.”
Theo các đơn vị vận tải, việc ban hành văn bản cho các doanh nghiệp cam kết và xin lùi hạn lắp đặt trong vòng 6 tháng là tín hiệu tốt đồng thời gỡ rối cho doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang do dự và còn nhiều khó khăn./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.