Doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa áp lực về chi phí xanh hóa logistics

Lam Giang 09/09/2024 - 16:42

Ngành logistics đang phải đối diện với xu hướng xanh hóa và xu hướng này đang mang lại cả những cơ hội và những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nội dung được bàn thảo tại tọa đàm “Thích ứng Logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9-9.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: L.G
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: L.G

Xanh hóa ngành logistics đang trở thành yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp trước yêu cầu ngày càng cao của các thị trường, đòi hỏi xanh hóa cả chuỗi cung ứng. Do đó, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương - Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội.

Theo đó, Việt Nam đang có những cam kết rất mạnh mẽ, cả ở cấp độ quốc tế và những chính sách chung và với phát triển ngành logistics xanh. Đặc biệt trong lĩnh vực logistics, tất cả các loại hình đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không đều đã có chính sách phát triển xanh.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng về logistics tại Việt Nam cũng đã được cải thiện giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí và tiến tới xanh hóa chính hoạt động của mình. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi và quá trình xanh hóa của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Hương, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn. Ở giai đoạn đầu xanh hóa đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư tốn kém về mặt chi phí. Thực tế, đa phần doanh nghiệp logistis Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đây là một áp lực đối với doanh nghiệp khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư để trở nên xanh hơn. Khả năng chuyển đổi từ đường bộ sang vận chuyển bằng các hình thức có mức phát thải thấp hơn như đường thủy nội địa, đường sắt hạn chế.

Doanh nghiệp ngành logistics đang nỗ lực chuyển đổi xanh. Ảnh
Doanh nghiệp ngành logistics đang nỗ lực chuyển đổi xanh. Ảnh: PV

Ông Mai Trần Thuật - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á cho hay, doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi xanh bằng việc thực hiện các giải pháp trong các khâu hoạt động, làm việc với đối tác vận chuyển để chuyển đổi xe điện nhằm giảm CO2, chuyển đổi nguồn điện áp mái cho nhà kho quy mô 20.000m2...

Bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để ghi nhận và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu lãnh đạo Chính phủ để có chiến lược thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics gắn với logistics xanh và phát triển bền vững.

Hiện nay, các chính sách ưu đãi của Chính phủ tập trung vào việc khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp, xe điện. Cụ thể, Chính phủ miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035 và tầm nhìn đến 2045, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới phát triển logistics xanh.

“Sau khi dự thảo được ban hành, Bộ sẽ xây dựng chiến lược phát triển xanh cho riêng dịch vụ logistics và trong đó sẽ tích hợp cả vấn đề về điện năng, chuyển đổi phương thức vận tải sao cho xanh hóa, tận dụng những phương thức vận tải tối ưu hơn”, bà Đặng Hồng Nhung thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa áp lực về chi phí xanh hóa logistics

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.