(HNM) - Từ nhiều năm qua, nhằm chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà máy giết mổ tập trung. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này tiếp cận với cơ chế, chính sách hỗ trợ vẫn là điều không đơn giản.
Dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm tại Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (Thanh Oai). Ảnh: Linh Ngọc |
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND, hỗ trợ 50% chi phí cho các hộ giết mổ nhỏ lẻ thuê mặt bằng tại các cơ sở giết mổ tập trung ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai, 30% ở năm thứ ba. Chính sách này chỉ áp dụng với các cơ sở giết mổ GSGC (công nghiệp, bán công nghiệp) trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP), vệ sinh môi trường. Mặc dù phấn khởi khi nghe tin này nhưng Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (Thanh Oai) Nguyễn Thị Hiền vẫn băn khoăn: "Nếu thực hiện được Quyết định 16 sẽ rất tốt, bản thân DN của tôi có đủ điều kiện để thu hút những hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tập trung theo dây chuyền hiện đại, song liệu có khả thi. Bởi cũng giống như các cơ chế hỗ trợ khác trước đây của Hà Nội, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền chưa bao giờ được tiếp cận vốn vay". Do đó, để chính sách này có hiệu quả, theo bà Hiền, các sở, ngành cần có những thông báo, hướng dẫn cụ thể để các DN tiếp cận. Nếu không được ưu tiên hỗ trợ, các lò mổ thủ công không bảo đảm VSATTP vẫn tiếp tục tồn tại, "bóp chết" các cơ sở giết mổ GSGC tập trung, vì giá giết mổ ở cơ sở tập trung cao hơn so với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Cuối năm 2010, thành phố đã đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt và đưa 26 hộ giết mổ nhỏ lẻ về Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền. Công ty này đã đầu tư 5 tỷ đồng vào xây dựng 26 ô, thời gian đầu có 19 hộ về, sau đó bỏ dần, hiện chỉ còn 9 hộ bám trụ. Bà Hiền cho biết, việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước rất nan giải. Không tiếp cận được với vốn vay ưu đãi nên trong hai năm qua Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền phải vay lãi suất ngân hàng 40 tỷ đồng với lãi suất 20,5%/năm, trung bình một tháng DN phải trả lãi 1 tỷ đồng. Hiện lãi suất giảm xuống còn 15%/năm thì DN phải trả 600 triệu đồng/tháng. Cùng chung nỗi niềm, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Foodex (Đan Phượng) Lê Đình Phượng cho biết, từ khi nhà máy giết mổ đi vào hoạt động năm 2008, công ty cũng chưa bao giờ được tiếp cận với các chính sách vay ưu đãi của TP. Vừa qua, TP tiếp tục có cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, nhưng để DN tiếp cận với các chính sách này cũng không phải dễ. Để các hộ vào cơ sở tập trung giết mổ, các sở, ban, ngành của Hà Nội cần phải quyết liệt xóa bỏ các lò mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho rằng, để đáp ứng với tiêu chí hưởng chính sách hỗ trợ cũng không hề dễ, đơn cử như theo quy định giết mổ phải trên sàn không được giết mổ dưới nền đất, nhưng hiện đa số lò mổ vẫn giết mổ dưới đất, không bảo đảm VSATTP, kể cả điểm giết mổ của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền. Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ các lò mổ làm các sàn thí điểm để giết mổ, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn này thì mới được hỗ trợ theo Quyết định 16. Thời gian tới đây, các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định VSATTP, vệ sinh thú y trong các cơ sở giết mổ, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tuy nhiên, với gần 4.000 điểm giết mổ GSGC nằm rải rác trong khu dân cư nên việc kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở Hà Nội không hề đơn giản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.