Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp hướng sang sản xuất xanh

Lam Giang| 09/04/2023 06:16

(HNM) - Nhằm đáp ứng các tiêu chí xanh cũng như xu hướng tiêu dùng xanh của các thị trường nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thay đổi tư duy, cách làm, chuyển dần sang sản xuất xanh, bền vững. Tuy nhiên, đây là “cuộc chơi” nhiều thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách làm bài bản trước yêu cầu khắt khe của thị trường.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). Ảnh: Phạm Hậu

Chinh phục thị trường "khó tính"

Là doanh nghiệp tích cực triển khai các biện pháp canh tác bền vững và đạt những tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu thế giới, gạo Lộc Trời đang thâm nhập ngày càng sâu rộng tới các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...

Giám đốc kinh doanh xuất khẩu (Tập đoàn Lộc Trời) Nguyễn Văn Hiếu cho biết, riêng thị trường châu Âu sản lượng gạo xuất khẩu của Lộc Trời tăng dần theo các năm. Năm 2018, tập đoàn chỉ xuất khẩu khoảng 2.200 tấn gạo, năm 2019 đã tăng lên 8.000 tấn và năm 2022 đạt khoảng 25.000 tấn, do doanh nghiệp đã tập trung cho chất lượng sản phẩm, triển khai chuỗi giá trị bền vững từ khâu giống, phân bón, đến kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. “Doanh nghiệp muốn xuất khẩu tới các thị trường “khó tính” phải nỗ lực và tâm huyết. Vì chỉ một lô hàng vi phạm quy định, doanh nghiệp hoàn toàn mất đường xuất sang châu Âu”, ông Hiếu chia sẻ. 

Tương tự, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế, hồi Việt Nam (Vinasamex) cũng có cách làm bài bản nhằm chinh phục thị trường. Tổng Giám đốc Vinasamex Nguyễn Thị Huyền thông tin, để xuất khẩu quế, hồi, gia vị hữu cơ sang châu Âu, Hoa Kỳ, Vinasamex đã nghiên cứu vùng trồng nguyên liệu, tập huấn cho người dân, nhân viên công ty tham gia vào chuỗi sản xuất - cung ứng thực hiện đúng với cam kết, bảo đảm chất lượng và các yếu tố về môi trường và xã hội. “Công ty đã đạt 4 chứng nhận hữu cơ của thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này khẳng định Vinasamex có thể đáp ứng được những yêu cầu chất lượng cao của thị trường khác”, bà Huyền chia sẻ.

Câu chuyện của Tập đoàn Lộc Trời hay Vinasamex chỉ là hai ví dụ tiêu biểu. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất và xuất khẩu bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nỗ lực thích ứng “luật chơi“ mới

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu, từ đó hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Còn Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho rằng, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và xây dựng những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Các chính sách này tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến một số mặt hàng chủ lực, như: Điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…

Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy cũng cho hay, việc châu Âu phê duyệt "Thỏa thuận xanh" đặt ra yêu cầu các sản phẩm dệt may nhập khẩu phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt.

Với tiềm lực hạn chế về tài chính và công nghệ, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững là điều không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để không bị loại khỏi cuộc chơi, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Jean Jacques Bouflet chia sẻ, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU cần đặc biệt chú ý tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Ngoài việc tăng cường sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, tiết kiệm năng lượng, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất; đồng thời, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chú trọng xây dựng bộ máy quản lý, giám sát và tuân thủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu mới của thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, xuất, nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu xanh. Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát các quy định, chính sách cũng như cập nhật thông tin thị trường. Từ đó, các thương vụ kịp thời tham mưu chính sách và khuyến nghị, hướng dẫn các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện phát triển mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp hướng sang sản xuất xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.