Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô

Hồng Sơn| 08/01/2023 06:26

(HNM) - Năm 2022 vừa qua, sự đóng góp đắc lực của cộng đồng doanh nghiệp đã ghi dấu ấn tích cực trong tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Tuy vậy, không ít thách thức, khó khăn còn hiện hữu ở phía trước. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh về các vấn đề đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2023.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh.

Khẳng định vai trò với kinh tế Thủ đô

- Trước hết, hẳn ông cũng đồng ý với nhận xét của dư luận rằng, năm 2022 vừa qua thật sự có nhiều khó khăn với doanh nghiệp Thủ đô?

- Đúng vậy. Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự xáo trộn lớn và có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98,2% trên tổng số 348.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Một số đơn vị rơi vào tình cảnh rất bất lợi vì mất nguồn cung đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, mất sự liên kết hoặc thiếu khả năng tài chính.

- Song xã hội vẫn ghi nhận những đóng góp rất đáng kể của doanh nghiệp Thủ đô, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế. Có thể hiểu điều này như thế nào, thưa ông?

- Thực tế cho thấy sự quyết tâm, cố gắng rất lớn và liên tục của các doanh nghiệp trong suốt thời gian dịch bệnh cũng như riêng năm 2022. Nhiều đơn vị đã trụ vững, nỗ lực duy trì hoạt động, vì mình nhưng cũng là vì người lao động và xã hội. Theo tôi, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc bình ổn và bảo đảm an sinh xã hội, được dư luận, chính quyền thành phố ghi nhận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tham gia vào một số việc rất thiết thực, sẽ tác động tích cực trong tương lai gần. Đơn cử như UBND thành phố Hà Nội giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề khác theo dõi và triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số “cạnh tranh bình đẳng”, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Hà Nội.

Cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn thành phố, các sở, ban, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao việc UBND thành phố duy trì, tổ chức cuộc gặp định kỳ hằng năm để nghe ý kiến, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế Thủ đô.

- Ông nhìn nhận thế nào về các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp?

- Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ, thành phố Hà Nội sau đại dịch Covid-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện… Thực tế cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả.           

Nhưng cần lưu ý rằng, dù các chính sách được đánh giá là hữu ích thì vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực hiện, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống. Trong đó, doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động có các điều kiện đi kèm khó thực hiện, như liên quan đến số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. 

- Ông có thể đánh giá tóm tắt tình hình doanh nghiệp hiện tại như thế nào?

- Nhìn chung, không ít doanh nghiệp đang rất khó khăn. Trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, chúng tôi từng phân biệt có 3 loại doanh nghiệp. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp có thị trường, có dòng tài chính tốt, có tiềm năng phát triển tốt. Thứ hai là nhóm còn thị trường nhưng có thể đang thiếu vốn; nếu nằm trong diện tiếp cận được các gói vay ưu đãi thì “sức khỏe” cũng tương đối ổn định. Còn nhóm rất khó khăn là vừa thiếu vốn, vừa mất thị trường; nếu không đủ tiêu chí tiếp cận các khoản vay hỗ trợ thì cực kỳ khó khăn. 

Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn

- Doanh nghiệp ở đâu và bao giờ cũng trông mong vào sự hỗ trợ của chính quyền. Theo ông nhu cầu này đối với các doanh nghiệp Thủ đô sẽ như thế nào và những nội dung nào cần được xem xét, trợ giúp?

- Đúng là doanh nghiệp luôn muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ chính quyền, cơ quan chức năng. Năm 2023, doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo thành phố thường xuyên theo dõi tình hình, đồng hành để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Cần tăng tốc cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục cũng như cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Với những gì chưa rõ, còn khúc mắc, chúng tôi cần được chia sẻ trên tinh thần đồng cảm, công bằng và có giải pháp ổn thỏa…

Chúng tôi đề nghị ngành Ngân hàng khi triển khai giảm lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp cần lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể, tránh việc đưa ra chính sách nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được, gói hỗ trợ lãi suất không đạt được mục tiêu.

Chúng tôi cũng kiến nghị nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang gặp nhiều khó khăn khi lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu, nguy cơ thiếu đơn hàng, lao động nghỉ việc dài ngày trong quý I và quý II-2023, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lương để giữ người lao động.

Để doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi cũng đề nghị xem xét kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19, như chính sách vay chi trả lương cho người lao động với lãi suất 0%, giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

- Còn vấn đề liên quan đến tiền thuê đất, thưa ông?

- Đến nay, Chính phủ mới giảm 30% tiền thuê đất của năm 2021, vì vậy doanh nghiệp đề nghị tiếp tục giảm cho 2 năm tiếp theo để giảm chi phí, ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Khi hết thời gian ưu đãi, đề nghị tiền thuê đất tăng không quá 10% so với kỳ ổn định trước đó (hiện nay là tăng hơn gấp 3 lần).

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đề cập để cơ quan chức năng hiểu những vấn đề, bối cảnh rất khác nhau, từ đó ủng hộ, giải quyết bằng những giải pháp phù hợp. Đơn cử, thực tế tại doanh nghiệp thì đầu tư mở rộng cũng tương tự như đầu tư mới, với mục đích để tăng năng lực sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để giúp doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh, giảm bớt chi phí lãi vay và khó khăn về tài chính, một số doanh nghiệp đề nghị xem xét được hoàn thuế dự án đầu tư đối với các dự án đầu tư mở rộng.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội luôn mong muốn, trông đợi lãnh đạo thành phố đưa ra thông điệp mạnh mẽ, giải pháp hiệu quả để cùng người dân, doanh nghiệp đoàn kết, chung sức phát triển Thủ đô. Trong đó, tập trung bứt phá về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.