Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp dệt may vượt khó trong bối cảnh dịch Covid-19

Trung Hiếu| 20/03/2020 07:11

(HNM) - Dịch Covid-19 đã làm cho ngành Dệt may Việt Nam thiếu hụt nguyên liệu, sụt giảm xuất khẩu. Trước tình hình đó, cùng với giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, nhiều doanh nghiệp dệt may đã tìm cách tái cơ cấu sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu thay thế, chuyển sang cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chia sẻ về những khó khăn, trở ngại doanh nghiệp dệt may gặp phải do dịch Covid-19, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP cho biết, nguồn nguyên liệu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc bị đình trệ nên việc sản xuất của đơn vị phải dựa vào nguồn nguyên liệu dự trữ. Cũng vì dịch ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm khiến lượng khách hàng của May 10 sụt giảm mạnh.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 2 tháng đầu năm 2020, lần đầu tiên trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may giảm 3%, chỉ đạt 5,3 tỷ USD. Trong khi đó, thông lệ của các năm trước, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm của ngành đều tăng khoảng 10%, cá biệt như năm 2018, Vinatex tăng trưởng tới 20%... Điều đó cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 là khá nghiêm trọng đối với ngành Dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường cho biết, đến trung tuần tháng 3-2020 tình hình khả quan hơn do hoạt động sản xuất nguyên liệu tại Trung Quốc dần khôi phục. Các doanh nghiệp dệt may trong nước nhìn chung đã nhận được nguyên liệu từ các nguồn cung cấp và qua theo dõi của tập đoàn, đến nay năng lực sản xuất của các doanh nghiệp được lấp đầy trong 3 tháng tới.

Thêm vào đó, khắc phục những khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu, sụt giảm xuất khẩu, các đơn vị của Vinatex, trong tháng 2 và 3-2020 đã tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch trong nước, qua đó góp phần giải quyết năng lực sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. “Từ đầu tháng 2-2020 đến nay, với ngành Dệt may nói chung và Vinatex nói riêng chưa có hiện tượng thiếu việc làm, lao động phải nghỉ việc”, ông Lê Tiến Trường nói.

Trước đó, khắc phục những khó khăn do nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, nhiều đơn vị đã chủ động tìm giải pháp để ổn định tình hình sản xuất. Ông Thân Đức Việt cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng kịch bản nếu dịch kết thúc trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2020, thì doanh thu giảm khoảng 7%, cùng với đó là phối hợp với đối tác tìm giải pháp xử lý tình huống. Việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cũng đang được tiến hành. “Đây là cơ hội doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn cung nguyên liệu, tránh sự phụ thuộc vào một nguồn để hạn chế rủi ro”, ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Đề xuất giải pháp với các doanh nghiệp dệt may, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ đã giao Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại cùng với hệ thống thương vụ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối và mở rộng thị trường. Song bên cạnh đó, các đơn vị cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác, ưu tiên khai thác nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.

Thông tin mới tiếp sức giúp doanh nghiệp dệt may vượt đại dịch Covid-19 là việc các ngân hàng thương mại đã rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch tới hoạt động và đưa ra chính sách linh hoạt, cụ thể theo từng doanh nghiệp. Mức giảm lãi suất cho vay dao động 0,5 - 1,5%/năm giúp dòng vốn của doanh nghiệp được lưu thông, hỗ trợ kịp thời trong vấn đề tiếp cận nguồn nguyên liệu mới… Với những giải pháp kịp thời từ doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành, ngành Dệt may sẽ sớm hồi phục và phát triển ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dệt may vượt khó trong bối cảnh dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.