Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp “đau đầu” vì hàng tồn kho

Đặng Loan| 10/09/2014 06:36

(HNM) - Doanh thu ở thị trường điện máy trong nửa đầu năm nay có tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức cạnh tranh khốc liệt hơn.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing của hệ thống Siêu thị điện máy Thiên Hòa cho biết, doanh thu trong những ngày đầu tháng 9 ở Thiên Hòa ước tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Lý do là siêu thị này đang tổ chức chương trình khuyến mãi "Giảm giá đến 49%" cùng nhiều chính sách mua sắm linh hoạt, tiết kiệm như bán hàng trả góp lãi suất 0%, mua 1 tặng 1, đổi cũ sở hữu mới... Cũng nhờ chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu dành cho tháng 9, ông Trương Chí Hùng, Giám đốc hệ thống Siêu thị điện máy Phan Khang cho biết, sức mua ở hệ thống này hiện tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách hàng lựa chọn Sản phẩm tại Siêu thị điện máy Thiên Hòa.



Trái ngược với các siêu thị lớn, hàng loạt các cửa hàng nhỏ vẫn trong tình trạng mua bán eo sèo dù treo bảng khuyến mãi hấp dẫn. Đang chọn mua tivi trên cửa hàng ở đường Hoàng Văn Thụ, vợ chồng chị Hồng Thúy (quận 12) cho biết, hầu hết các cửa hàng quảng bá nhiều chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn, nhưng thực chất các mặt hàng khuyến mãi không đặc sắc. Những hàng được giảm giá 50% chủ yếu là hàng gia dụng giá trị thấp, mẫu mã kém bắt mắt như bình đun siêu tốc, máy sấy tóc, bếp hồng ngoại… Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng có giá trị lớn như tivi, tủ lạnh thì dù mức giá khuyến mãi có bằng nhau nhưng các hệ thống siêu thị lớn vẫn chiếm ưu thế nhờ những giá trị kèm theo như quà tặng, bán hàng trả góp... Chẳng hạn, hầu hết các cửa hàng đều giảm giá chiếc tivi LCD 40inch của Sony còn 12,7 triệu đồng, nhưng sau khi đi xem xét giá ở nhiều cửa hàng, chị Hồng Thúy quyết định mua ở Siêu thị Nguyễn Kim vì nơi đây đã liên kết với các ngân hàng giảm giá thêm 5%, (còn 11,8 triệu đồng) khi thanh toán bằng thẻ master card.

Theo ông Trương Chí Hùng, người tiêu dùng hiện nay có rất nhiều điều kiện để so sánh, kiểm chứng nên việc khuyến mãi chỉ hiệu quả khi khuyến mãi "thật". Một số đơn vị tổ chức khuyến mãi dùng câu từ quá sự thật, hàng hóa không chính hãng, không bảo đảm chất lượng… để kéo khách hàng nhưng số lượng không đáp ứng rồi tư vấn "lái" người tiêu dùng tới sự lựa chọn khác khiến người tiêu dùng không còn tin tưởng nữa.

Dù sức mua tăng nhưng các DN kinh doanh các mặt hàng điện tử điện máy vẫn gặp khó khăn. Theo Công ty Máy tính Thành Nhân, do công nghệ thay đổi quá nhanh nên sản phẩm công nghệ thông tin - điện tử có tuổi đời ngắn, chỉ khoảng 6 tháng trở lên là bị lỗi thời, giá bán giảm đáng kể. Sau 12 tháng thì việc bán các sản phẩm này càng khó dù giá rẻ, bởi các sản phẩm khác với tính năng gấp đôi, thậm chí 4 đến 6 lần đã xuất hiện. Mặt khác, các sản phẩm này để lâu trong kho cũng dẫn đến hỏng hóc hoặc hết thời hạn bảo hành… Trong khi đó, quy định không cho bán dưới giá nhập (giá vốn) nên DN phải để tồn kho dẫn đến ứ đọng vốn. Công ty Thành Nhân đề nghị Sở Công thương cho phép giảm giá bán sản phẩm sau 6 tháng nhập về Việt Nam theo lộ trình: 6 tháng cho phép giảm 20% giá vốn (giá nhập kho); 9 tháng giảm 35%; 12 tháng giảm 50%; 18 tháng giảm 70% và đến 90% giá vốn. Công ty này cũng đề nghị cho phép các DN khuyến mãi hơn 49%.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, theo quy định thì "Mức giảm giá tối đa của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi". Đối với việc giá trị hàng hóa thay đổi theo các nguyên nhân nêu trên thì DN phải định lại giá trị hàng hóa (giá nhập kho). Với đề xuất được phép khuyến mãi, giảm giá hơn 49%, Sở Công thương cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của Công ty Thành Nhân và sẽ tổng hợp, kiến nghị các bộ, ngành trung ương để xem xét có hướng giải quyết.

Nêu quan điểm về mức khuyến mãi, ông Trương Chí Hùng cho rằng, việc giảm giá nên để DN tự quyết định. Còn theo ông Trần Tấn Hoàng Hậu, không chỉ ở lĩnh vực điện máy mà còn ở các mặt hàng tiêu dùng khác, việc giảm giá sâu là cơ hội để kích cầu và giúp DN giải quyết nhanh hàng tồn kho. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần có sự kết hợp và sự cam kết từ các DN bởi nếu không sẽ xảy ra việc cạnh tranh bán phá giá. Ông Hậu đề xuất, trong tháng khuyến mãi tổ chức vào tháng 9 hằng năm của TP Hồ Chí Minh, nên có 1-3 ngày để DN tự do giảm giá giống như ngày Black Friday ở Mỹ nhằm mang lại nhiều cơ hội mua sắm cho người dân và kích cầu. Tuy nhiên, DN phải đăng ký các hoạt động này và có sự quản lý của Sở Công thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp “đau đầu” vì hàng tồn kho

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.