(HNM) - Tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều loại thuế trong đó có thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm sẽ bằng 0%.
Việc quản lý thức ăn và giống của các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ảnh: Khánh Nguyên |
Doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị phần
Hiện tại, Việt Nam cùng với 11 quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trong giai đoạn nước rút đàm phán tham gia TPP. Tham gia sân chơi này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải chấp nhận quy định mức thuế nhập khẩu bò, thịt gà, lợn vào nước ta sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%. Điều này đang là mối lo ngại về sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước vì giá sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn còn cao so với sản phẩm cùng loại của một số nước. Chẳng hạn như Mỹ, mặc dù chỉ có 3 bang chăn nuôi lợn nhưng giá thịt của Mỹ đang rẻ hơn Việt Nam 40%. Không những thế, hầu hết các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đều không nắm được thông tin chính thức nào liên quan đến các tiến trình đàm phán cũng như một số quy định đạt được trong Hiệp định TPP để xây dựng kế hoạch đầu tư, chiến lược trong thời gian tới. Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cộng đồng Green Food Hà Nội cho biết, chưa cần Hiệp định TPP có hiệu lực thì người chăn nuôi trong nước đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài về giá cũng như thị phần. Đặc biệt, về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường ở Việt Nam đến 80%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước còn phải cạnh tranh với các loại thịt nhập khẩu với số lượng tăng hằng năm. Trong quý I-2015, Việt Nam đã nhập khẩu trên 34.000 tấn thịt gà đông lạnh (chủ yếu là đùi, cánh, đầu và chân), tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng bò thịt nhập khẩu về Việt Nam còn tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Năm 2014 nhập khẩu gần 200.000 con và năm 2015 dự báo sẽ nhập trên 350.000 con. Tính trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng 30.000 con bò từ Australia về giết mổ, chế biến. Giá thịt bò hơi nhập khẩu về đến Việt Nam chỉ từ 2,4-3 USD/kg, trong khi giá sản xuất trong nước từ 65.000-75.000 đồng/kg. Theo Cục Chăn nuôi, hạn chế của các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước là việc quản lý về thức ăn và giống chưa đáp ứng yêu cầu so với hội nhập. Vấn đề ô nhiễm môi trường còn diễn ra nghiêm trọng ở một số vùng chăn nuôi. Không những thế, với việc chăn nuôi gia công cho nước ngoài, người nông dân được phân chia lợi nhuận không bình đẳng và thường phải chịu thiệt thòi do trình độ năng lực, nguồn vốn hạn chế; trong khi đối tác mạnh về cả kinh tế và trình độ khoa học công nghệ…
Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý về vốn, khoa học công nghệ. Nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2015 Bộ NN&PTNT đề ra sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các nội dung khi tham gia Hiệp định TPP đến doanh nghiệp để họ nắm rõ tình hình sản xuất trong nước và thế giới, từ đó có phương án phát triển tốt nhất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm cũng như mở rộng thị trường để có phương án chủ động trong bối cảnh hội nhập sâu. Để nâng cao khả năng khi gia nhập TPP, các doanh nghiệp trong nước phải thực hiện tốt khâu giống vật nuôi vì việc này sẽ giảm khoảng 9-10% giá thành sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam; đồng thời tăng cường liên kết với nhau để mạnh về vốn, giảm các chi phí đầu vào nhằm tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra đánh giá lại tình hình chăn nuôi ở các địa phương, đưa ra các biện pháp phục hồi nhanh, hiệu quả, tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để phù hợp với quy hoạch. Bộ sẽ giải quyết những khó khăn về con giống, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất các con giống chất lượng tốt. Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các bộ, ban, ngành đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường trong nước và thế giới để có biện pháp tháo gỡ kịp thời trong khâu lưu thông phân phối sản phẩm. Từ đó, điều hòa việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ hợp lý. Bên cạnh đó là tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành và kiểm soát thị trường, quản lý điều tiết sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng được mùa mất giá và sốt giá cục bộ. Các doanh nghiệp cần xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, chỉ tiêu kỹ thuật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi để nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.