(HNM) - Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu (theo xếp hạng của Hãng Nghiên cứu thị trường A.T.Kearney), Việt Nam đang hút một lượng lớn vốn đầu tư vào thị trường này. Bên cạnh hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập của các nhà đầu tư “ngoại”, thì sự vươn lên của các nhà đầu tư trong nước cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ “nội” đang có nhiều cơ hội để bứt phá, chiếm lĩnh thị phần.
Mạng lưới bán lẻ Việt "phủ sóng"
Theo Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), với một môi trường đầu tư được đánh giá có nhiều cải thiện theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam thông qua chiến lược mua bán, sáp nhập, nhượng quyền thương mại... Điển hình là vụ mua bán, sáp nhập của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) thâu tóm nhà bán lẻ điện máy Nguyễn Kim và 33 siêu thị, trung tâm thương mại của chuỗi Big C Việt Nam…
Bên cạnh những vụ mua bán, sáp nhập của các nhà đầu tư “ngoại”, các nhà bán lẻ “nội” cũng đang vươn lên mạnh mẽ trong cuộc đua giành thị phần. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú. Nổi bật phải kể đến Tập đoàn Vingroup với hoạt động mua bán, sáp nhập một loạt chuỗi bán lẻ nổi tiếng như: VinatexMart, OceanMart, Maximark, Fivimart,… Sau khi dẫn đầu tốp 10 công ty uy tín ngành bán lẻ theo bình chọn của Vietnam Report năm 2019, VinMart và VinMart đã liên tiếp triển khai hàng loạt các chương trình để nâng cao chất lượng và trải nghiệm cho người tiêu dùng. Qua đó, khẳng định vị thế tiên phong với việc triển khai tính năng mua sắm Scan & Go (mua hàng từ xa - nhận hàng tại nhà), mở siêu thị ảo, ký kết với Công ty XAct Solutions xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng VinCommerce theo tiêu chuẩn thế giới…
Bà Trần Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vincom Retail cho biết, tính đến hết tháng 9-2019, VinCommerce đã sở hữu hơn 2.300 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, phủ sóng đến khắp các khu dân cư, chiếm lĩnh thị trường.
Chia sẻ với phóng viên khi đang sử dụng tính năng Scan & Go tại siêu thị VinMart Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), bà Nguyễn Thu Hà nói: “Phải xếp hàng chờ thanh toán là một trong những lý do khiến tôi ngại nhất khi đi siêu thị. Nhưng giờ đây, với một chiếc điện thoại cài ứng dụng VinID và một cuốn cẩm nang mua sắm thông minh của hệ thống siêu thị VinMart, tôi chỉ việc chọn tính năng Scan & Go, quét mã vạch các sản phẩm muốn mua, thanh toán ngay bằng ví điện tử. Khoảng 2-4 giờ sau, nhân viên của VinMart sẽ giao hàng đến tận nơi, rất hiện đại và tiện dụng”.
Cùng với VinMart, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op sở hữu chuỗi siêu thị Co.opmart) cũng tuyên bố đã mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của hệ thống Auchan (Pháp); Tập đoàn BRG mua lại Intimex và Hapro. Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho rằng, không chỉ đứng trước cơ hội mở rộng phạm vi trên thị trường nội địa, việc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mua lại thị phần của doanh nghiệp nước ngoài còn giúp mang lại nhiều cơ hội khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết đi vào thực thi.
Đánh giá về cơ hội giành thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ "nội", Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: "Phần lớn người tiêu dùng Việt vẫn thích cách mua sắm nhanh, tiện lợi, nên việc lựa chọn các điểm đông dân cư, phát triển thị trường "ngách" là một lựa chọn khôn khéo với doanh nghiệp bán lẻ Việt".
Cần cơ chế hỗ trợ
Giai đoạn 2019-2020 được đánh giá là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ trong nước. Theo Bộ Công Thương, chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư "ngoại" hiện chỉ chiếm 16%, trong khi các nhà bán lẻ hiện đại "nội" chiếm 84%. Như vậy, kênh bán hàng của doanh nghiệp "nội" vẫn chiếm tới 3/4 thị phần bán lẻ hiện nay. Điều đó cho thấy, dù hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp “nội” chủ yếu chiếm lĩnh ở mô hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi…; song mô hình này đang khẳng định tính hiệu quả cao, là cơ hội để các doanh nghiệp "nội" bứt phá thời gian tới.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc tiếp cận những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; dân số đông và lực lượng trẻ chiếm đa số... là những yếu tố thuận lợi để thị trường bán lẻ tăng trưởng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện mới, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Mặt khác, Bộ cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành, phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh, rất cần các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế hỗ trợ cho ngành bán lẻ nội địa; tập trung tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay kinh doanh bán lẻ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.