(HNM) - Nhiều tháng qua, thế giới bị chao đảo bởi dịch Covid-19. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: “Đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức nguy hiểm nhất mà thế giới phải đối mặt trong thời đại của chúng ta”.
Với sự nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, nước giàu hay nước nghèo đều chịu ảnh hưởng và không thể một quốc gia nào có thể tự mình vượt qua được. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được bằng năng lực của mỗi quốc gia cùng với sự hợp tác quốc tế. Nhận thức rõ điều này, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm kép là phòng, chống dịch tốt ngay tại nước mình; đồng thời tích cực, chủ động dẫn dắt, điều phối các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do dịch bệnh. Trong đó, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19, tổ chức các hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gọi điện đến các nhà lãnh đạo của các nước trong khu vực và đối tác của ASEAN để vừa chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch; nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực của Việt Nam đã được xem xét như khả năng lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp; ngăn chặn tin tức giả mạo, sai lệnh… Điều này một lần nữa minh chứng cho tinh thần hợp tác, đoàn kết quốc tế của Việt Nam để cùng chống lại kẻ thù chung là “giặc” Covid-19.
Hiện nay, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới. Theo tinh thần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới tại Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành thì tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế càng cần được quan tâm hơn nữa, đặt biệt trong bối cảnh đại dịch không ngừng lan rộng, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, Việt Nam đã dành sự quan tâm, chia sẻ của mình hỗ trợ những bạn bè truyền thống, những nước láng giềng, các quốc gia đối tác đang căng mình chống dịch. Với sự trân trọng tình hữu nghị anh em truyền thống, Việt Nam đã hỗ trợ Lào, Campuchia số trang thiết bị y tế trị giá khoảng 7 tỷ đồng, giúp Cuba 5.000 tấn gạo. Tình cảm ấm áp của nhân dân Việt Nam cũng được gửi gắm qua những món quà bằng hiện vật, tài chính chuyển đến Quỹ ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chính quyền và nhân dân Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Myanmar, Indonesia… như lời động viên cùng nỗ lực vượt qua nguy cấp. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đón nhận những nguồn lực hỗ trợ, kỹ thuật, phương pháp chữa bệnh của các nước bạn.
Có thể nói chưa khi nào trái đất lại đứng trước thử thách như hiện nay. Trái đất là ngôi nhà chung, việc san sẻ khó khăn, hợp lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng nhau vượt qua gian khó là trách nhiệm của từng quốc gia vì chính lợi ích của mỗi nước và tương lai của nhân loại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam đề cao tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương trong đối phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, sự kết nối chặt chẽ giữa các nước thông qua chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau, phối hợp chính sách… ở cấp độ toàn cầu là cách thức duy nhất giúp kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế này.
Để phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế chống lại đại dịch Covid-19, mỗi người dân Việt Nam cần thể hiện trách nhiệm “công dân ASEAN” trong thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các ngành, địa phương cùng với Chính phủ kiên định thực hiện những nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.
Với vai trò quốc gia Chủ tịch ASEAN 2020, việc khẩn trương huy động các nguồn lực chung của khu vực, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc và WHO để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid-19 của ASEAN là nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện. Bên cạnh đó, Chủ tịch ASEAN 2020 cùng các nước trong khu vực nỗ lực là phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chống dịch đi đôi với chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng chiến lược chống dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi sâu sắc thế giới nhưng chắc chắn có một điều không thể đổi thay, đó là sự sẻ chia, sự đồng lòng sẽ mãi trường tồn. Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy cộng đồng và hành động cộng đồng. Đó chính là phát huy sức mạnh của đoàn kết, hợp tác quốc tế để chiến thắng kẻ thù chung - đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.