(HNM) -
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cùng các cháu Trường Mầm non Cao su Mường La (Sơn La).Ảnh: Lê Hương
Ấm áp nghĩa tình
Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", Tây Bắc là địa chỉ đầu tiên Đoàn lãnh đạo TP Hà Nội đến thăm và làm việc sau khoảng thời gian dài phải giải quyết nhiều việc lớn, đột xuất như tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và Đại hội Đảng các cấp. Bởi lẽ, Tây Bắc có hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu kết nghĩa với Thủ đô. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều địa danh lịch sử, với chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và cũng là những địa phương có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Suốt hành trình, đoàn nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thể hiện tình cảm đặc biệt của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc với Thủ đô. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng chia sẻ, vinh dự cho Lai Châu được kết nghĩa với Thủ đô. Gần 8 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (tháng 1-2004) cũng là từng ấy thời gian Hà Nội đồng hành với địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Trong điều kiện gần 23% phòng học gianh tre, nứa lá, việc Hà Nội hỗ trợ hơn 5,2 tỷ đồng xây dựng trường dân tộc nội trú từ mấy năm trước đây; tặng hàng tỷ đồng mỗi năm mua quần áo, chăn ấm cho học sinh nghèo; bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên… đã giúp tỉnh vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Ngay thời điểm đoàn lên thăm, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu hiện có hàng chục bác sĩ của Hà Nội đang chuyển giao kỹ thuật, giúp các y, bác sĩ tỉnh bạn chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh khẳng định, Đảng bộ, nhân dân Điện Biên mãi ghi nhận sự hỗ trợ về kinh phí (gần 20 tỷ đồng) của Hà Nội giúp tỉnh xây dựng trường học, quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả những thế mạnh của địa phương. Còn đối với Sơn La, "sự ủng hộ quý báu về vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô lúc thiên tai, bão lũ cũng như việc Hà Nội tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần giúp tỉnh giải quyết việc làm, ổn định đời sống đồng bào di dân xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La… đáng quý biết bao. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn hướng về Thủ đô với niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc" - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng bày tỏ. Những ân tình, việc làm thiết thực của Hà Nội thực sự là động lực để đồng bào các dân tộc các tỉnh Tây Bắc vượt khó, yên tâm gắn bó với đất, với rừng, thực hiện tốt nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ an toàn vùng biên cương - phên giậu của Tổ quốc, cho sự phát triển trường tồn của Thủ đô và đất nước.
Siết chặt quan hệ,đẩy mạnh hợp tác
Sau hơn 7 năm mới có dịp trở lại các tỉnh Tây Bắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vui mừng trước sự đổi thay của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc. Đường sá thuận lợi hơn. Điện thắp sáng, nước sạch, y tế, giáo dục… những lĩnh vực vốn là khó khăn đặc thù của các tỉnh miền núi nay đã từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào các dân tộc. Về các tỉnh vùng cao, ngắm nhìn một vùng rộng lớn non xanh, nước biếc, Bí thư Thành ủy cảm nhận sâu sắc, vùng cao Tây Bắc đang sở hữu nhiều thế mạnh, tiềm năng lớn mà Hà Nội ao ước cũng không có được, đó là quỹ đất, tài nguyên, khoáng sản, thủy điện… Từ những mỏ đất hiếm với trữ lượng hàng triệu tấn của Lai Châu đến tiềm năng lớn về thủy điện ở Sơn La, mà biểu tượng là Nhà máy Thủy điện Sơn La - một công trình trọng điểm quốc gia vừa kết hợp ngăn lũ vừa nhằm mục đích phát triển kinh tế. Rồi tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử, những sản vật nổi tiếng của vùng đất Điện Biên… Đó là tài nguyên, là vốn quý của đất nước. Ngược lại, Hà Nội có những thế mạnh mà các tỉnh ước muốn: nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm phát triển đầu tư, lĩnh vực công nghiệp, khoa học, y tế, giáo dục... Vì vậy, cần phải bổ sung cho nhau. "Nếu Hà Nội biết cách phối hợp, hợp tác tốt với các tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế thì thành quả xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng và các tỉnh nói chung sẽ tốt hơn rất nhiều", đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chia sẻ.
Thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng vốn quý, song hiện tại, các tỉnh vùng Tây Bắc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; địa bàn miền núi hiểm trở, đi lại khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo cao; chưa kể những yếu tố tiềm ẩn làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị, TTATXH. Trong khi đó, Hà Nội vinh dự gánh trọng trách "là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao thương quốc tế" cần chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ, hỗ trợ các tỉnh góp phần giải quyết những khó khăn, trở ngại trên hành trình phát triển. GDP chiếm 14%, thu ngân sách chiếm gần 24% của cả nước (năm 2011 tăng trưởng tổng sản phẩm của Hà Nội đạt 10,13%; thu ngân sách đạt trên 123.000 tỷ đồng); lại là nơi có nhiều di tích lịch sử, cách mạng, truyền thống văn hiến 1000 năm; đặc biệt, sau mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, diện tích gấp 3, dân số gấp 2 lần, tạo cho TP nhiều thế và lực mới để tăng cường hợp tác với các địa phương trên các lĩnh vực.
Hà Nội mong muốn có được nhiều cơ hội cùng hợp tác với các tỉnh khai thác tiềm năng du lịch, thương mại, nông nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao, khoa học và công nghệ. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thủ đô gặp gỡ, trao đổi thông tin để hợp tác đầu tư; tăng cường tuyên truyền về lịch sử và truyền thống cách mạng của các địa phương. TP sẽ giúp các tỉnh đào tạo, bồi dưỡng vận động viên cấp cao, chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh. Hà Nội sẽ hỗ trợ các địa phương khai thác và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản, tổ chức các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm; khuyến khích các quận, huyện đỡ đầu một số xã khó khăn của các tỉnh.
Ngay sau khi kết thúc chuyến đi, các sở, ngành của Hà Nội sẽ tăng cường trao đổi thông tin, giúp các tỉnh Tây Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư tại Thủ đô; giúp các địa phương trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ngành giáo dục và y tế. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dự kiến mở các trung tâm thương mại, siêu thị tại các tỉnh Tây Bắc, giúp nông dân quy hoạch vùng sản xuất, cung cấp cho Thủ đô nhiều nông sản chất lượng. Một số doanh nghiệp của Hà Nội sẵn lòng giúp các tỉnh khai thác, chế biến nông - lâm sản, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng đường giao thông, trường học, cơ sở y tế...
Một chuyến đi không dài, nhưng mang lại nhiều kết quả tích cực. Ngoài khám phá tiềm năng, mở ra cơ hội hợp tác cùng phát triển, đây còn là dịp Hà Nội và các địa phương chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo… Để từ đây, trong tiến trình phát triển, Hà Nội sẽ huy động tối đa nội lực và ngoại lực, dựng xây Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh, xứng đáng với sự mong đợi của Đảng và nhân dân cả nước.
TP Hà Nội đã hỗ trợ 7 tỉnh vùng Tây Bắc 14 tỷ đồng vào Quỹ Xóa đói giảm nghèo; các doanh nghiệp hỗ trợ 60 tỷ đồng xây dựng trường học; ngành giáo dục hỗ trợ gần 1 tỷ đồng mua chăn ấm cho học sinh nghèo; ngành y tế tặng nhiều thiết bị cho các tỉnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.