(HNMO)-Với tình cảm và tinh thần
Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc ở Nghệ An |
Chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm công tác và hợp tác cùng phát triển trên các mặt kinh tế - xã hội. Cùng đi có các đồng chí: UVTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực; UVTV, Chánh Văn phòng Thành ủy Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Hồng Hà; lãnh đạo một số sở, tổng công ty.
Ngày 29-11, Đoàn làm việc với tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp và làm việc với Đoàn. Trước khi bước vào phiên làm việc chính thức, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn; dâng hương tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, thành phố Vinh. Đoàn cũng đã đến thăm chi nhánh Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Nam Đàn Hanosimex) ở huyện Nam Đàn.
Đoàn đại biểu cũng đã đến thăm chi nhánh Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Nam Đàn Hanosimex) ở huyện Nam Đàn |
Tiếp đó, phiên làm việc chính thức của hai địa phương diễn ra trong không khí thân tình, cởi mở, trên tinh thần tăng cường trao đổi kinh nghiệm, liên kết cùng khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực của hai địa phương.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Trần Hồng Châu, với diện tích tự nhiên 16.487km2, dân số 3,2 triệu người, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng… tỉnh đã và đang tập trung khai thác thế mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã tạo động lực giúp tỉnh đạt được kết quả toàn diện, đến cuối tháng 11-2014, hoàn thành 24/27 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) ước tăng 7,24%, thu ngân sách đạt 7.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người, tăng 8,9% so với năm 2013. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm thực hiện đạt hiệu quả…
Trong điều kiện khó khăn của địa phương, Nghệ An đã nhận được sự động viên, hỗ trợ của các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Hà Nội. Chỉ riêng giai đoạn 2010-2014, có 53 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hà Nội đầu tư tại Nghệ An với tổng mức đầu tư trên 20.354 tỷ đồng, chủ yếu ở các lĩnh vực: Thủy điện, trồng rừng, bất động sản, thương mại, siêu thị, hạ tầng giao thông, y tế, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi…Trong đó, riêng các đơn vị thuộc Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội đã xây dựng, đưa 1.550 căn hộ, 120 nghìn m2 sàn xây dựng vào sử dụng tại Nghệ An. Hay, Tổng công ty Dệt may Hà Nội đã góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 800 công nhân. Ngoài ra, Hà Nội đã ủng hộ hơn 7,5 tỷ đồng (trong 3 năm gần đây) vào quỹ ủng hộ người nghèo và giúp đỡ đồng bào của tỉnh bị thiên tai, lũ lụt. “Đây không chỉ là sự ủng hộ về vật chất và mà còn là tình cảm, sự chia sẻ, động viên vô cùng to lớn, giúp tỉnh Nghệ An vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển đi lên”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Trần Hồng Châu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện tại quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, công nghiệp chậm phát triển, mức sống của nhân dân còn thấp, vẫn còn 3 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm và 16 xã chưa có điện lưới quốc gia… Để phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, ngoài sự nỗ lực của địa phương, Nghệ An mong muốn Hà Nội quan tâm giới thiệu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Thủ đô tăng cường đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; kinh doanh các dịch vụ giao nhận, vận tải, xếp dỡ hàng hóa; dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, vui chơi, giải trí; xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất linh kiện, lắp ráp thiết bị điện tử, điện lạnh; công nghệ thông tin… Nghệ An cũng đề nghị Hà Nội hỗ trợ một số xã khó khăn của tỉnh vươn lên. “Thành phố Hà Nội là Thủ đô - trái tim của cả nước... Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ, nhà hoạt động tiền bối của Đảng, Nhà nước… Hai địa phương có tình cảm hết sức đặc biệt. Vì vậy, trong thời gian tới, rất mong hai địa phương sẽ ngày càng gắn kết, hỗ trợ nhau khai thác thế mạnh của mình cùng phát triển mạnh mẽ, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, du lịch, giáo dục, văn hóa, y tế, hợp tác giữa cơ quan báo chí, đài truyền hình hai địa phương”- Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc đề xuất.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội đã trao đổi làm rõ những lĩnh vực Hà Nội và Nghệ An có thể tăng cường hợp tác và thống nhất phương thức liên kết, hợp tác trong thời gian tới.
Cảm ơn tình cảm nồng hậu, thân thiết mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An dành cho Thủ đô Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, hai địa phương tuy cách nhau hơn 300 km nhưng có mối liên hệ hết sức mật thiết. Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi Thủ đô Hà Nội lại là nơi Người sống và làm việc trong thời gian dài. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, trong tiến trình phát triển, Hà Nội rất cần gặp gỡ, trao đổi, thu hút nguồn lực, khả năng phát triển để phát theo mong muốn của Bác Hồ: Thủ đô Hà Nội phải ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác Hồ cũng luôn luôn nhắc nhở Đảng bộ, nhân dân Thủ đô: Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội phải gương mẫu, phải làm kiểu mẫu, phải đi đầu trên tất cả các lĩnh vực. Muốn làm được điều đó, ngoài việc phát huy nhân tố, nguồn lực tại chỗ thì Đảng bộ, nhân dân thành phố Hà Nội cần phải huy động nguồn lực của cả nước và nước ngoài. Vì vậy, những chuyến đi nhằm tăng cường gắn kết, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển có ý nghĩa quan trọng với Hà Nội.
Thành phố Hà Nội trao tặng tỉnh Nghệ An 2 tỷ đồng phục vụ mục tiêu an sinh xã hội |
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Nghệ An là tỉnh lớn, địa phương giàu truyền thống cách mạng, dân số đông và cũng là đảng bộ lớn với 17 vạn đảng viên. Còn Hà Nội có diện tích bằng 1% cả nước, dân số gần bằng 10%, thu ngân sách gần 1/5, đóng góp sản phẩm 1/10, thu hút đầu tư khoảng 20% của cả nước. Những con số ấy nói lên vị trí, vai trò của Thủ đô. Sự gắn kết tự nhiên về chính trị, kinh tế, xã hội giữa hai địa phương rất đặc biệt. Vì vậy, ngoài nhu cầu giao lưu, cũng là dịp tìm hiểu, chia sẻ, hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn vươn lên. Phía Hà Nội có thể hỗ trợ Nghệ An phát triển đầu tư, ngược lại các nguồn lực và sự đóng góp của con em Nghệ An cũng trực tiếp góp phần vào tăng trưởng của Thủ đô. Bí thư Thành ủy khẳng định, tăng cường liên kết, hợp tác, đầu tư là xu thế khách quan, tất yếu. Nếu chúng ta chủ động, tạo cơ chế, thúc đẩy thì xu thế đó sẽ phát triển đúng hướng, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của mỗi địa phương. Trên cơ sở thống nhất chủ trương tăng cường liên kết, hợp tác, đồng chí Phạm Quang Nghị yêu cầu lãnh đạo các ngành chức năng của Hà Nội phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của tỉnh Nghệ An sớm cụ thể hóa những nội dung hợp tác trong thời gian tới. Trong đó, đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý cần ưu tiên xúc tiến thương mại, quảng bá đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, du lịch. “Tôi rất mừng là tỉnh Nghệ An có hạ tầng du lịch tương đối khá, vấn đề là cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ và tính đồng bộ của hạ tầng du lịch và văn hóa”- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh. Ngoài ra, theo đồng chí Phạm Quang Nghị, hai địa phương có thể trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả cho thu nhập cao; hợp tác trên lĩnh vực văn hoá, thể thao, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo…
Nhân dịp này, thành phố Hà Nội trao tặng tỉnh Nghệ An 2 tỷ đồng phục vụ mục tiêu an sinh xã hội. Sau tỉnh Nghệ An, Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội sẽ làm việc với tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 30-11.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.