Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn cựu chiến binh Xô Viết trở lại thăm Việt Nam

Quỳnh Chi| 30/04/2013 06:48

(HNM) - Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ chí tình, hiệu quả của nhiều bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ của Liên Xô (cũ).


Tất cả những chiến sĩ Xô Viết ngày ấy, trong những điều kiện vô cùng khó khăn, đã hoàn thành nghĩa vụ người lính một cách vẻ vang với tinh thần anh dũng và hy sinh quên mình vì một mong muốn chung - Việt Nam hòa bình và độc lập. Do vậy, khi có dịp quay trở lại, được chứng kiến sự chuyển mình đáng ngạc nhiên ở mảnh đất đáng nhớ này, nhiều cựu chiến binh Xô Viết đã không giấu được nỗi xúc động.

Các cựu chiến binh Xô Viết và Việt Nam cùng ôn lại kỷ niệm thời chiến đấu.


Có mặt đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày Giải phóng miền Nam, ông Valery Skoriak - từng là chuyên gia kỹ thuật bệ phóng Tổ hợp tên lửa S75 trong năm 1970 - một thành viên trong đoàn cựu chiến binh Xô Viết thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ Quốc phòng cho biết, kể từ khi chiến tranh kết thúc, ông đã trở lại đây tới 10 lần, mỗi lần là một sự ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam. Với ông, giai đoạn sống, chiến đấu ở Việt Nam đã để lại dấu ấn không thể phai mờ. Sau khi nghỉ hưu, ông quyết định tập hợp những người đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam, thành lập Chi hội Cựu chiến binh Nga tham gia đánh Mỹ liên vùng ở Ural (Nga) gồm hơn 30 người. Mục tiêu của chi hội là tạo điều kiện để tất cả các hội viên đều có thể đến Việt Nam thăm lại chiến trường xưa và chứng kiến đất nước họ từng góp công sức, xương máu bảo vệ đã và đang thay đổi, xây dựng cuộc sống hòa bình phồn vinh và ổn định như thế nào.

Còn ông Uladzimir Hvazdousky, Trưởng đoàn Cựu chiến binh Belarus vẫn nhớ như in cảnh nhà máy đổ nát, làng mạc hoang tàn khi rời Việt Nam năm 1972. Trở lại đây sau 40 năm, ông đã được chứng kiến một Việt Nam đang "thay da đổi thịt" và có bước phát triển ngoạn mục. "Trong trái tim tôi luôn có những người bạn chiến đấu Việt Nam. Họ là những người dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội".

Không chỉ vui mừng trước sự phát triển của Việt Nam, các cựu chiến binh Xô Viết còn có dịp ôn lại những kỷ niệm đã khắc sâu vào máu thịt với các bạn chiến đấu sau vài thập kỷ mới có dịp gặp lại và được cùng nhau hát vang "Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi…". Những ai có mặt tại buổi giao lưu tại Bảo tàng Phòng không - Không quân sáng 24-4 đều được chứng kiến cuộc hội ngộ cảm động của hai cựu chiến binh Nguyễn Quang Nhuận và Anatoli Matushek của đoàn Ukraine. Tay bắt mặt mừng khi nhận ra nhau sau hơn 40 năm gặp lại, hai cựu chiến binh không ngừng chia sẻ những hồi ức. Thời kỳ 1969-1970 đó, hai ông cùng làm việc tại xưởng sửa chữa tên lửa A31. Điều khiến Anatoli Matushek ấn tượng nhất về những người bạn chiến đấu Việt Nam là sự thông minh, chăm chỉ và hầu hết đều biết tiếng Nga. Khi được hỏi đâu là lý do thôi thúc ông đến Việt Nam trong những năm chiến tranh ác liệt như vậy, Anatoli Matushek cười nói: "Vào thời điểm đó, trong quân đội đã có hàng chục nghìn lá đơn, đặc biệt là từ các sĩ quan trẻ, xin được cử sang Việt Nam giúp đỡ các bạn trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược. Chúng tôi và các bạn cùng chung lý tưởng và luôn coi thực hiện nhiệm vụ quốc tế là điều vô cùng thiêng liêng". Ông Anatoli Matushek cho biết, trở lại Ukraine, ông vẫn luôn theo dõi tình hình chiến sự tại Việt Nam. Lúc hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông rất vui mừng vì cuối cùng chính nghĩa đã giành chiến thắng.

Trong niềm vui của ngày hội ngộ, các cựu chiến binh cũng không quên những đồng đội đã ngã xuống. Những cái tên như Vitali Smirnov (tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 82 Trung đoàn PK238 và hy sinh tháng 10-1965 tại trận địa Chũ - Bắc Giang), luôn được nhắc đến một cách trân trọng nhất. Cùng đi trong đoàn Cựu chiến binh Xô Viết tới Việt Nam lần này có chị Natalia Lupinogova, con gái của liệt sĩ Vitali Smirnov. Chị cho biết, khi bố hy sinh, chị còn quá nhỏ. Lớn lên, được nghe mọi người trong gia đình kể về sự hy sinh anh dũng của cha vì độc lập của nước bạn, chị rất tự hào về ông. Vì vậy, chị đã đưa cậu con trai nhỏ của mình đi cùng để thăm "chiến trường xưa" nơi cha, ông từng chiến đấu, vừa là hiểu thêm về đất nước Việt Nam anh hùng.

Còn chị Viktoria Fedorchenko, con gái Cựu chiến binh Vladislav Kulakovskiy, người từng tham gia chiến đấu tại Việt Nam từ tháng 8-1970 đến tháng 7-1971 trên cương vị kỹ sư sửa chữa tổ hợp tên lửa S-75. Chia sẻ hồi ức về cha mình, chị cho biết, khi ông mất, chị mới chỉ 5 tuổi nên chưa hiểu được nhiều điều. "Tuy nhiên, đến đây tôi cảm nhận được đất nước các bạn thật tuyệt vời và tôi hiểu lý do vì sao cha tôi vẫn quyết định tới Việt Nam bất chấp chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Tôi rất mừng vì đất nước các bạn đã thay đổi, không còn nhận ra dấu vết của chiến tranh. Và tôi tin rằng sự hy sinh của bố tôi cũng như nhiều người khác thực sự có ý nghĩa".

Đúng như Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã nói trong buổi gặp mặt các cựu chiến binh Xô Viết, ngày nay Việt Nam đã lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành quả to lớn. Sự giúp đỡ và hy sinh của bạn bè quốc tế có ý nghĩa hết sức to lớn đối với thành công của cuộc Cách mạng Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn cựu chiến binh Xô Viết trở lại thăm Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.