(HNMO) - Chiều 22-10, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 với chủ đề "Đô thị thông minh - Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", đã diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và 500 đại biểu là lãnh đạo cấp cao các ban, bộ, ngành trung ương, đại diện các quốc gia thuộc ASEAN và 26 đô thị thông minh tại các điểm cầu... Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: Phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng tới phát triển bền vững cho mỗi quốc gia. Nghị quyết 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị nêu, Việt Nam xác định rõ xây dựng và phát triển đô thị thông minh là 1 trong 3 nội dung cốt lõi trong chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số).
Trong khuôn khổ của Diễn đàn cấp cao năm nay, chủ đề được lựa chọn sẽ tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: Một là, hướng tới giữ gìn và phát huy bản sắc cộng đồng của các đô thị trong quá trình phát triển đô thị thông minh. Hai là, phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN), cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh; coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phát triển đô thị thông minh thực sự là một "cuộc chơi lớn" trong đó cần có những "người cùng chơi" có tầm nhìn và tiềm lực, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Đóng góp tham luận trực tuyến, ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chia sẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 đang đe dọa các đô thị thì xây dựng thành phố thông minh là hướng đi đúng đắn để ứng phó và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã chia sẻ một số nội dung về định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững trong Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam xác định thời gian tới sẽ tập trung hoàn thành một số nội dung: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh; xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển đô thị thông minh trong đó có chính sách về huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh; xây dựng cơ chế điều phối phát triển đô thị thông minh...
Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia trong nước, quốc tế cũng thảo luận, chia sẻ xung quanh việc tạo lập nền tảng cho xây dựng đô thị thông minh thành công; tháo gỡ các rào cản, vướng mắc do chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong triển khai xây dựng đô thị thông minh gắn với chính quyền số...
Chia sẻ một số kinh nghiệm mà Hà Nội đang triển khai để từng bước đưa Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, phù hợp với xu thế và cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư là nội dung tham luận của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản. Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện theo 5 nhóm giải pháp và 2 ưu tiên. 5 nhóm giải pháp, gồm: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; phát triển hạ tầng đô thị thông minh; phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị; tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác lập, triển khai quy hoạch theo hướng phát triển đô thị thông minh bền vững; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.
Hai ưu tiên trong đô thị thông minh là: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và cư dân thông minh. Hà Nội cũng triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh như: Hình thành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội với 8 trung tâm chức năng; hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh...
Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến, chia sẻ được các đại biểu đưa ra. Từ kết quả của diễn đàn, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TƯ về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp các ý kiến trao đổi tại phiên toàn thể và các hội thảo chuyên đề, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề trọng tâm cần xử lý, góp phần thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh của Việt Nam, gắn kết với hệ thống đô thị thông minh của các nước ASEAN, góp phần thiết thực sớm đưa Nghị quyết 52-NQ/TƯ vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.