(HNM) - Trong khi các địa phương đang tích cực tái đàn nuôi sau Tết mà chưa được như kế hoạch thì dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) đang có chiều hướng tăng nhanh trong cả nước.
Tiêm phòng dịch cho gia cầm tại phường Phúc Lợi (quận Long Biên) Ảnh: Trung Kiên
Cục Thú y (Bộ NN& PTNT) cho biết, hiện nay thời tiết đang giao mùa nên vật nuôi rất dễ nhiễm bệnh. Hiện cả nước còn 6 tỉnh có dịch cúm gia cầm nhưng nguy cơ dịch lây lan vẫn rất cao và 20 tỉnh có dịch lở mồm long móng (LMLM). Dịch lợn tai xanh đang bùng phát ở hai tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và cũng đang có chiều hướng lây lan nhanh.
Cục phó Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết, trong thời gian qua, dịch bệnh GSGC không giảm mà còn bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt thấp. Khi có dịch bệnh phát sinh, nhiều hộ chăn nuôi tự chữa trị, không báo cáo kịp thời với cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc ổ dịch cũng như công tác dập dịch. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Trị, đầu tháng 4 xuất hiện một ổ dịch lợn tai xanh nhỏ lẻ, nhưng địa phương chỉ tổ chức tiêu hủy những con chết. Số còn lại tự chữa trị, nên dịch không giảm mà đến nay còn lây lan ra 8 xã thuộc các huyện Hải Lăng và Vĩnh Linh. Tổng số lợn mắc bệnh là 683 con; trong đó chết và tiêu hủy 103 con. Đáng nói là tỷ lệ tiêm phòng ở các địa phương không cao, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, bởi ngoài tiêm phòng chính vụ, phải bảo đảm tiêm phòng bổ sung cuốn chiếu hằng năm nhưng nhiều địa phương đã bỏ qua khâu này.
Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, việc tiêm phòng đang gặp khó khăn, nhất là ý thức của người nuôi trong việc chấp hành quy định chăn nuôi thú y, báo cáo dịch bệnh. Nhiều hộ chăn nuôi ở cơ sở chưa tự giác phối hợp với chính quyền và cán bộ thú y thống kê đối tượng tiêm phòng nên vẫn xảy ra tình trạng thống kê bỏ sót hoặc thiếu chính xác. Nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý chưa có dịch không cần tiêm, khi có dịch mới tiêm nên việc tiêm phòng không bảo đảm quy định của ngành thú y là tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và đúng thời điểm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra một số ổ dịch LMLM gia súc, cúm gia cầm, như ổ dịch cúm gia cầm ở xã Bắc Phú (Sóc Sơn) dịch xuất hiện tại một hộ và phải tiêu hủy hơn 3.000 con vịt, nguyên nhân do không tiêm phòng. Mặt khác, việc giám sát phát hiện dịch bệnh còn rất nan giải do đội ngũ thú y cơ sở mỏng. Hiện Hà Nội có 577 trưởng thú y và 2.600 thú y thôn, bản nhưng chế độ phụ cấp thấp, trưởng thú y được hơn 700 nghìn đồng/người/tháng, thú y thôn bản trên 200 nghìn đồng/người/tháng; thậm chí nhiều nơi thanh toán công tiêm phòng chậm, thiếu kịp thời, không khuyến khích được thú y viên tham gia công tác. Hằng năm TP chi hơn 10 tỷ đồng cho công tác tiêm phòng nhưng theo quy định của Chính phủ và Bộ NN&PTNT chỉ hỗ trợ vắc xin cho các trang trại có dưới 2.000 con, trên 2.000 con chủ trang trại tự thanh toán nên một số tổ chức, cá nhân tự cung ứng vắc xin cho người nuôi mà không có sự giám sát của ngành thú y.
Chính quyền phải vào cuộc
Ông Đàm Xuân Thành cho rằng, để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho GSGC, khống chế dịch bệnh, không chỉ là trách nhiệm của ngành thú y mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chính người chăn nuôi. Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y tuyên truyền cho người nuôi hiểu và chấp hành tốt pháp lệnh thú y về phòng chống dịch bệnh; đôn đốc các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng quy định. Tổ chức tiêm phòng ngoài 2 đợt tiêm đại trà, hằng tháng tiêm phòng bổ sung cho số vật nuôi mới nhập về, số vật nuôi hết thời gian miễn dịch... đặc biệt các bệnh nguy hiểm. Người chăn nuôi cần nhận thức rõ việc tiêm phòng là tự bảo vệ tài sản của mình, chủ động tiêm phòng cho đàn nuôi, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác địa phương cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hộ chăn nuôi không chấp hành tốt công tác tiêm phòng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, hiện hai tỉnh Nghệ An và Quảng Trị có dịch tai xanh nhưng tiềm ẩn lây lan nhanh vì dịch này thường xuất hiện trong thời điểm giao mùa. Nếu các địa phương không tổ chức tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh môi trường và các biện pháp dập dịch, chắc chắn sẽ lặp lại tình trạng dịch như hồi tháng 5 năm 2010.
Từ đầu năm đến nay toàn TP Hà Nội đã tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn được 998.265 lượt con, bằng 50% kế hoạch năm, tụ huyết trùng trâu, bò được 126.318 lượt con, bằng 38% kế hoạch; LMLM trâu, bò 91.968 lượt con bằng 34,7% kế hoạch; vắc xin cúm gia cầm 5.609.971 lượt con bằng 31% kế hoạch. Để việc hỗ trợ vắc xin đến tận các trang trại chăn nuôi lớn, hiện Chi cục đã tham mưu đề xuất với TP có cơ chế hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm cho các trang trại, kể cả trên 2.000 con trong giai đoạn 2011 - 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.