Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đỏ mắt" tuyển nhân lực đóng tàu

HA OANH| 01/04/2008 10:45

Đóng tàu - ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh (30-50%/năm) này đang thiếu ít nhất 40% nhân lực ở mọi trình độ, từ công nhân kỹ thuật đến kĩ sư, cán bộ quản lí.

22 thỏa thuận đào tạo nhân lực cho ngành đóng tàu đã được ký kết giữa 7 trường đại học, cao đẳng và các tổng công ty, tập đoàn, công ty, nhà máy... là lời “cam kết” chắc chắn hơn cho những SV có năng lực. Ảnh: CQ

Đóng tàu - ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh (30-50%/năm) này đang thiếu ít nhất 40% nhân lực ở mọi trình độ, từ công nhân kỹ thuật đến kĩ sư, cán bộ quản lí.

Thiếu ít nhất 40% nhân lực

Hiện nay, Việt Nam nằm trong tốp 4 nước dẫn đầu châu Á và tốp 10 nước có số lượng tàu đóng mới và tải trọng lớn trên thế giới.

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin cho biết: “Mỗi năm, Vinsahin cần bổ sung 12.000-13.000 lao động nhưng các trường trung cấp nghề của Tập đoàn chỉ cung cấp được 7.000-8.000 người”.

Đơn cử như Công ty Đóng tàu Hạ Long, năm 2007, cần khoảng 150 đến 200 kỹ sư ngành vỏ tàu và máy tàu thủy, song chỉ tuyển được khoảng 30 kỹ sư.

Cũng chung tình trạng trên, nhà máy đóng tàu (NMĐT) Đà Nẵng, theo kế hoạch cần đến 2.500 lao động, song số người làm việc chỉ đáp ứng được 30%.

Tương lai, NMĐT Dung Quất sẽ tiếp nhận thêm khoảng 10.000 công nhân. Đó là chưa kể các nhà máy Quảng Bình, Bến Thuỷ, Chân Mây, Cửa Việt, Sông Lam cũng đang cần nhân lực.

“Từ nay đến 2015, tốc độ tăng trưởng nhân lực ngành đóng tàu tại Việt Nam bình quân sẽ là 10.000 đến 15.000 người/năm. Trong khi quy mô đào tạo hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% - 60% nhu cầu nhân lực” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết tại Hội thảo Quốc gia về đào tạo nhân lực ngành đóng tàu theo nhu cầu xã hội tổ chức tại Hải Phòng tháng 1/2008.

“Nhiều SV được tuyển dụng khi vẫn còn đang học từ năm 3, 4, 5 theo các chương trình học bổng của các công ty có quan hệ mật thiết với nhà trường”,PGS. TSKH Đặng Văn Uy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải.

Đóng tàu: Việc chọn người

“Chúng tôi thi công theo công nghệ phân tổng đoạn, tức là chia con tàu thành nhiều phần, đóng rời rạc, sau đó lắp lại với nhau. Chính vì thế, từ bản vẽ tổng thể của cơ quan thiết kế, tôi phải bóc tách ra thành từng bản vẽ của từng phân tổng đoạn”, anh Đoàn Xuân Hà - kỹ sư tốt nghiệp ĐH Hàng hải năm 2004 kể về công việc của mình.

Ngoài bóc tách các bản vẽ, hàng ngày, công việc cụ thể của anh là giám sát hiện trường, chỉ đạo thi công, đưa ra phương án thi công, …

Theo anh thì: “Nhiều trường hợp, kiến thức, kĩ năng chưa đủ mà cần phải nhờ đến kinh nghiệm lâu năm của người thợ. Công nghệ mỗi ngày một khác, nhiều kiến thức trong trường dạy đã bị lỗi thời”.

“Cứ tưởng tượng là công nhân kĩ thuật phải đứng giữa trời nắng nóng để làm việc 8 tiếng/ngày, mồ hôi đầm đìa. Nhất là các công nhân làm việc trong các hầm, vừa kín gió lại vừa nóng. Vất vả, mệt mỏi, công nhân phải có sức khoẻ tốt. Những việc như thế này nữ giới khó làm”, anh Hà chia sẻ.

Bù lại, lương của họ sẽ tương đối cao. Như anh Hà, khi còn làm cho Công ty Nam Triệu vào tháng 10/2007, lương của anh là 2,5 triệu đồng/tháng. Còn khi chuyển sang làm giám sát đóng mới cho một hãng tàu tư nhân tại Hải Phòng năm 2007, lương của anh đã là 6 triệu đồng/tháng.

Cơ hội rộng mở

Hiện nay, có nhiều cơ sở đào tạo ngành đóng tàu mọi trình độ. Tuy nhiên, đối với các trường đào tạo có uy tín như ĐH Hàng Hải (Hải Phòng), ĐH Bách Khoa HN,  ĐH GTVT TPHCM thì điểm đầu vào cũng tương đối cao.

PGS. TS Lê Quang, Bộ môn Kĩ thuật Thuỷ khí và Tàu Thuỷ, ĐH Bách Khoa HN cho biết: “Chất lượng đầu vào của SV chuyên ngành tàu thuỷ là tương đối cao”.

Theo PGS. TS Trần Cảnh Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM thì: “Ngành đóng tàu là ngành công nghiệp tổng hợp có tính quốc tế cao, đòi hỏi ngoại ngữ, kiến thức công nghệ đa - liên ngành nhằm đảm bảo được việc thiết kế và đóng mới các loại tàu hiện đại khác nhau”.

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Cơ khí - Bộ Công Thương - thì thân tàu và máy tàu là 2 yếu tố quan trọng nhất của con tàu nên luôn được ưu tiên cả trong đào tạo nhân lực và sản xuất.

SV học ngành này cũng có nhiều cơ hội phát triển ra nước ngoài nếu thực sự có tinh thần cầu thị. Bởi định hướng của ngành đóng tàu hiện nay là phấn đấu tới năm 2015 sẽ đạt 50% và 2020 đạt 75% sinh viên tốt nghiệp ĐH có đủ khả năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế.

ĐH Hàng hải: Điểm chuẩn 1 số ngành thuộc khoa Đóng tàu năm 2007: ngành Điều khiển tàu biển: 18 điểm; Máy tàu: 20 điểm; Vỏ tàu: 23 điểm; Đóng tàu: 22.5 điểm; Máy xếp dỡ: 19.5 điểm.

ĐH GTVT TP.HCM: Năm 2007, điểm chuẩnngành Điều khiển tàu biển: 15 điểm; Năm 2003: Điều khiển tàu biển: 11 điểm; Máy tàu thủy: 10 điểm; Điện tàu thủy: 10 điểm; Điện tử viễn thông: 14 điểm; Đóng tàu - công trình nổi: 10 điểm; Cơ giới hóa xếp dỡ: 10 điểm; …

Các cơ sở đào tạo khác: ĐH Bách Khoa HN (23 điểm); CĐ Hàng Hải (Hải Phòng); Trường Công nghiệp Sao Đỏ; CĐ Công nghiệp Tuy Hoà; các trường nghề thuộc tập đoàn VINASHIN; các trường đào tạo ngành nghề liên quan đến đóng tàu: ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng; ĐH Bách Khoa – ĐHQG TPHCM; ĐH GTVT HN; CĐ GTVT I, II, III;

Cẩm Quyên/VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đỏ mắt" tuyển nhân lực đóng tàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.