(HNM) - Danh hiệu Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng cách đây hơn 20 năm (ngày 16-7-1999) luôn được Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố vun đắp, giữ gìn, lan tỏa.
Hai thập kỷ sau, ngày 30-10-2019, Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Sự kiện này là cơ hội thuận lợi để Thủ đô có lịch sử phát triển hơn một nghìn năm tuổi tiếp tục định vị thương hiệu, hội nhập và phát triển...
Tôn vinh giá trị cốt lõi
Năm 1999, Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Thúc đẩy đoàn kết xã hội; cải thiện đời sống nhân dân; chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục... Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu này. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu trong quá trình đổi mới cũng như khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam.
Trải qua hơn 20 năm, Hà Nội không chỉ xứng đáng với danh hiệu trên thông qua các tiêu chí mà còn khẳng định được nhiều hơn thế, khi đã tôn vinh được giá trị của riêng mình. Những truyền thống văn hóa của Hà Nội ngày càng được thể hiện rõ nét, bằng sự thân thiện mến khách, qua cách bảo tồn di sản, phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên. Kết quả về phát triển giáo dục, thể thao, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị mới, công trình kiến trúc xanh, khôi phục làng nghề truyền thống… là minh chứng cho thấy Hà Nội đã làm tốt vai trò “đầu tàu” của cả nước.
Ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO chia sẻ: “20 năm sau khi được vinh danh, Hà Nội không chỉ là một khu đô thị lớn hơn với dân số đông hơn, chúng tôi đã thấy một thành phố mở cửa, một Thủ đô hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế. Chúng tôi thấy sự phản ánh của một đất nước Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm. Tôi tin rằng, thành phố có tất cả điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi đây là thành phần chính của văn hóa và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa”.
Có thể thấy, Hà Nội đã trở thành một điểm đến kiến tạo hòa bình của thế giới. Càng tự hào với những giá trị đặc biệt ấy, chính quyền và nhân dân Thủ đô càng quyết tâm gìn giữ, không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, tự tin phát triển và hội nhập, tạo ấn tượng khó quên với bạn bè, du khách từng đặt chân tới.
Nâng cao vị thế Thủ đô
Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, danh hiệu Thành phố Vì hòa bình được trao tặng cho Hà Nội nhờ bề dày lịch sử cùng truyền thống hòa nhập và vị tha. Do đó, UNESCO mong muốn tiếp tục hợp tác với thành phố không chỉ để bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho một thời đại mới. Đây là cách để Hà Nội duy trì sự tăng trưởng bền vững, thu hút nhân tài, cung cấp việc làm cho thanh niên và thiết lập Hà Nội thành một Thủ đô sáng tạo.
Thực tế, trong lịch sử, Hà Nội đã sẵn có nền tảng của lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Sáng tạo bất kể ở quy mô nào, từ nhỏ bé, tinh tế như việc đưa nghề thêu truyền thống vào các sản phẩm đương đại, đến quy mô lớn như xây dựng Thành phố thông minh… Những năm gần đây, Hà Nội còn là nơi tập trung một số lượng lớn những cá nhân, tổ chức quốc tế, các nghệ sĩ và nhà thiết kế nước ngoài tới sinh sống, làm việc. Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật mang tầm quốc tế đã được tổ chức thành công, không chỉ là niềm tự hào về năng lực tổ chức sự kiện của Hà Nội, mà còn là bằng chứng thuyết phục về khả năng sáng tạo của "Thành phố rồng bay".
Ông Michael Croft khẳng định, việc trở thành Thành phố sáng tạo là một sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội, bên cạnh danh hiệu Thành phố Vì hòa bình.
Việc gia nhập Mạng lưới sáng tạo không phải là kết quả mà mới chỉ là bước khởi đầu trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội, với tư cách là Thủ đô sáng tạo. Để thực hiện cam kết, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và làm giàu nguồn lực văn hóa, "sức mạnh mềm" của Hà Nội nói chung. Từ đó, Hà Nội sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới, khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Từ Thành phố Vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo, Hà Nội đang góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Những lợi thế này tạo nên sức hút lớn với các nhà đầu tư, du khách và từ đó tạo điều kiện để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.